Bản thu dài hơn 10 phút. Đức Tuấn và nhạc sĩ Lê Thanh Tâm sử dụng bản phối mang âm hưởng neo-classical (thể loại giao thoa giữa nhạc cổ điển với pop).
Ở một số đoạn, ca sĩ hát ngân nga kiểu đồng dao rồi đổi sang kỹ thuật hát rền vang mang chất bán cổ điển. Đức Tuấn chia sẻ, Đóa hoa vô thường là một tác phẩm phức tạp về ca từ lẫn giai điệu, là thách thức với ca sĩ và nhạc sĩ hòa âm. "Tôi chọn một bản phối với mong muốn đem lại hiệu ứng mới lạ cho nhạc phẩm nhưng vẫn hợp với triết lý của nhạc sĩ", anh chia sẻ.
Phần mở đầu là lời dẫn của thiền sư Thích Minh Niệm - tác giả sách Hiểu về trái tim. Ông diễn giải về ca khúc: "Đóa hoa nào rồi cũng tàn phai theo lẽ vô thường của trời đất. Em cũng vậy. Em cũng vô thường. Hình hài, ý niệm, cảm xúc, vết thương, và cả linh hồn của em nữa, đâu có cái gì là giữ nguyên một trạng thái cố định ở trong trời đất này đâu...".
Trịnh Công Sơn sáng tác Đóa hoa vô thường vào năm 1972. Trường ca bao gồm nhiều đoản khúc, kể về từng giai đoạn con người đi tìm bản ngã, chấp nhận những được - mất của cuộc đời, đến lúc hiểu thấu bản thân cũng tới khi xa lìa trần gian. Danh ca Khánh ly lần đầu thu âm nhạc phẩm trong album Hát cho quê hương Việt Nam. Năm 1997, Hồng Nhung phát hành ca khúc với phần MV dài 12 phút, được quay công phu, có câu chuyện mở - kết. Chị nhiều lần trình diễn ca khúc trên sân khấu lớn, gần đây nhất là đêm nhạc ngày 30/3 tại Hà Nội.
Đức Tuấn sinh năm 1980, từng đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP HCM năm 2000 khi theo học Ngoại thương. Các album tiêu biểu của Đức Tuấn là Tiếng hát Trương Chi, Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy, Trẻ mãi, Music of the Night... Anh hát lại nhiều ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... Gần đây, anh phát hành album Trần Thiện Thanh và trường ca Dã tràng ca (Trịnh Công Sơn sáng tác).
Tam Kỳ