Bản thu có độ dài gần 12 phút, rút gọn so với bản gốc hơn 20 phút. Đức Tuấn tham khảo ý kiến của nhà văn, nhà nghiên cứu về Huế - Nguyễn Đắc Xuân - để chọn một bức ảnh thời trẻ của cố nhạc sĩ làm bìa đĩa. Bức ảnh được cho là gần với thời điểm ông sáng tác Trường ca tiếng hát dã tràng (Dã tràng ca).
Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm phối khí ca khúc. Phần hòa âm mang hơi hướng nhạc kịch hiện đại, hướng đến công chúng trẻ. Nhạc sĩ dùng thủ pháp chuyển điệu nhằm thay đổi tiết tấu bất ngờ cho người nghe, giúp bản trường ca không bị nhàm chán.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ, đánh giá cao Đức Tuấn tìm tòi tư liệu, ghi âm một nhạc phẩm ít người biết của anh trai. Nhiều năm qua, Dã tràng ca ít được biểu diễn vì không phù hợp để hát một mình hay ở sân khấu nhỏ. "Tôi mong ca khúc được vang lên rộng rãi để khán giả tiếp cận nhiều hơn đến di sản nhạc Trịnh", bà nói. Đức Tuấn đồng hành cùng gia đình cố nhạc sĩ ở nhiều chương trình tưởng niệm 18 năm ngày ông mất.
Thủa thiếu thời, cố nhạc sĩ từng theo mẹ vào chùa Phổ Quang tìm hiểu Phật học. Lớn lên, ông theo học trường Sư phạm Quy Nhơn. Mảnh đất ven biển là nguồn cảm hứng giúp ông sáng tác nhiều ca khúc như Diễm Xưa, Biển nhớ, Dã tràng ca...
Dã tràng ca được sáng tác vào khoảng 1962 - 1964, khi trường Sư phạm Quy Nhơn nhờ nhạc sĩ viết một ca khúc cho đại nhạc hội. Bài hát ban đầu có tựa là Tiếng hát dã tràng, gồm hai phần với 13 đoản khúc có tựa đề riêng, xoay quanh nội dung: kiếp người là vô nghĩa, con người sinh ra đã đối mặt khổ đau, chỉ có tình yêu mới cứu rỗi. Bài hát mở đầu cho dòng sáng tác về đề tài thân phận, sau này được gọi là "Ca khúc Da Vàng" của Trịnh Công Sơn. Khoảng năm 2001, văn bản của ca khúc lần đầu được đưa lên Internet. Năm 2009, Ánh Tuyết biểu diễn nhạc phẩm này trên sân khấu TP HCM.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. 18 năm ông rời cõi tạm, những nhạc phẩm của ông luôn là một phần đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về âm nhạc Việt Nam. Ông để lại gia tài hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh Công Sơn vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình.
Trịnh Công Sơn còn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như "Bob Dylan của Việt Nam" (BBC), "Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam" (The Washington Post). Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt đầu tiên có sản phẩm âm nhạc phát hành tại thị trường Nhật Bản với các ca khúc được nhiều khán giả yêu thích như Diễm xưa và Ca dao mẹ. Hơn hai triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua minh chứng cho sự thành công của nhạc Trịnh tại đất nước này. Các ca khúc của ông được dịch ra tiếng Nhật, được các nghệ sĩ hàng đầu như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu... thu âm và biểu diễn. Nhạc Trịnh Công Sơn được hát trong Kohaku Uta Gassen, chương trình Âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK. Năm 1972, Trịnh Công Sơn đã thắng giải Đĩa vàng Nhật Bản cho tác phẩm Ngủ đi con.
Mai Nhật