Phát ngôn viên chính phủ Đức thông báo Thủ tướng Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/3, trong đó ông chủ Điện Kremlin nói rằng sẽ không có gì thay đổi với các đối tác châu Âu bất chấp kế hoạch yêu cầu mua khí đốt Nga bằng ruble.
Theo đó, Tổng thống Putin đề xuất phương án thanh toán bằng euro và chuyển tiền cho ngân hàng thuộc tập đoàn Gazprom của Nga, sau đó khoản tiền sẽ được chuyển đổi thành ruble. "Thủ tướng Scholz không đồng tình với quy trình này trong cuộc điện đàm, nhưng đề nghị phía Nga chuyển thông tin bằng văn bản để hiểu rõ hơn", phát ngôn viên chính phủ Đức cho hay.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin và Thủ tướng Scholz nhất trí rằng chuyên gia hai nước sẽ thảo luận phương án thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Giới chức Đức cũng cho biết các thỏa thuận của G7, trong đó có mua khí đốt Nga bằng euro hoặc USD, vẫn được giữ nguyên.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết tình hình rất khó diễn giải và những thông báo từ phía Nga chưa rõ ràng. Ông nói rằng Moskva chưa rút lại lời đe dọa ngừng cung cấp khí đốt nếu phía mua không thanh toán bằng ruble.
Các đơn vị cung cấp năng lượng chính của Đức những ngày qua cảnh báo không thể loại trừ nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu những quốc gia "thiếu thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Danh sách "nước kém thân thiện" là quốc gia đã áp đặt cấm vận Nga, trong đó có Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Các bộ trưởng trong nhóm G7 từ chối làm điều này với lý do đây là hành động đơn phương và "vi phạm thỏa thuận sẵn có". Trong khi đó, Điện Kremlin thông báo Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí và "khó làm từ thiện với các khách hàng châu Âu trong tình thế hiện nay".
Các chuyên gia nhận định động thái mới nhất của Nga nhằm gây áp lực lên châu Âu để trả đũa các lệnh cấm vận. Với các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga, phương Tây đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga.
Khi quyết định của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Sự phụ thuộc khiến nhiều nước EU không đáp lại những lời kêu gọi từ Mỹ và Ukraine là cấm vận ngành năng lượng của Nga.
Vũ Anh (Theo Reuters)