Đây là một trong những cuộc tập trung đông người nhất trong không gian kín tại Đức sau nhiều tháng, nằm trong nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg, với mục đích thu thập dữ liệu về khả năng lây lan của nCoV tại các sự kiện trong nhà đông đúc, giữa lúc Covid-19 đang hoành hành.
Giữa tiếng guitar bass làm rung động khán phòng, đám đông hôm 22/8 thưởng thức màn biểu diễn của ca sĩ người Đức Tim Bendzko trong hoàn cảnh đặc biệt. "Việc đeo khẩu trang khi xem biểu diễn thật kỳ cục", Jonas Spiegel, một sinh viên 23 tuổi mặt đỏ bừng vì nóng và mệt, cho biết. Giữa những quãng lặng hoặc lúc khán giả hát theo ca sĩ, âm thanh khác thường được tạo ra khi hàng trăm người cố gắng hát hoặc reo hò qua lớp khẩu trang.
Các nhà nghiên cứu cho biết mục đích của dự án là xác định những cách tiếp cận giúp các buổi biểu diễn và sự kiện đông người khác có thể nối lại một cách an toàn, trước khi tìm ra một loại vaccine Covid-19 hiệu quả. Tất cả người tham gia buổi biểu diễn thử nghiệm đều có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và được kết nối với các thiết bị theo dõi.
"Tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp duy trì niềm vui sống trên khắp thế giới", Michael Gekle, trưởng khoa y Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg, cho biết.
Nghiên cứu diễn ra giữa lúc số ca nhiễm nCoV tại Đức bắt đầu tăng trở lại, sau giai đoạn được cho là kiềm chế dịch thành công. Tuần trước, nước này ghi nhận trung bình 10,5 ca nhiễm/100.000 dân, hơn gấp đôi so với hai tháng trước, khiến tổng số ca nhiễm nCoV nâng lên gần 238.000, trong đó hơn 9.300 người chết.
Do đó, các nhà nghiên cứu vấp phải những lời chỉ trích, đối mặt với câu hỏi về sự an toàn của những người tham gia, cũng như lo ngại rằng buổi biểu diễn có nguy cơ khiến thành phố Leipzig, nơi ghi nhận khá ít ca nhiễm nCoV cho tới nay, rơi vào thế nguy hiểm hơn.
Ban tổ chức ban đầu đặt mục tiêu thu hút 4.000 người tham gia buổi hòa nhạc, nhưng chỉ tập hợp được chưa đến một nửa. Tuy nhiên, Gekle và các đồng nghiệp vẫn cho rằng những người tham gia chỉ cần áp dụng những biện pháp giữ an toàn là đủ.
Vẫn chưa rõ kết quả của cuộc thử nghiệm hôm 22/8 ở Leipzig có thể đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tái khởi động các sự kiện đông người giữa đại dịch hay không. Tuy nhiên, ý tưởng mời đám đông lớn vào trong một không gian kín đặt dưới sự kiểm soát đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học khác trên thế giới. Stefan Moritz, người đứng đầu cuộc thử nghiệm, cho biết ba dự án tương tự đang được lên kế hoạch hoặc cân nhắc tại Australia, Bỉ và Đan Mạch.
Thử nghiệm dường như cũng thúc đẩy các công ty tư nhân và đội thể thao thực hiện nỗ lực tương tự. Câu lạc bộ bóng đá Union Berlin của Đức tuần trước cho biết họ đã xin phép tổ chức một trận đấu thử nghiệm với 3.000 khán giả. Theo đề xuất của họ, yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV sẽ thay thế cho quy tắc giãn cách xã hội trong sân vận động.
Động lực thúc đẩy ý tưởng thử nghiệm xuất phát từ việc các câu lạc bộ thể thao lo ngại tình trạng thiếu khán giả có thể khiến họ phá sản, ngay cả khi phần lớn trận đấu đã được nối lại. Nhiều địa điểm tổ chức sự kiện cũng đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi những sự kiện chỉ có vài khán giả nhằm đảm bảo giãn cách xã hội có thể không mang lại lợi nhuận, trong khi sự kiện đông người hơn tiềm ẩn nguy cơ lây lan nCoV. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu là tìm kiếm sự cân bằng.
Để xác định những hoạt động rủi ro cao, các nhà nghiên cứu tổ chức buổi biểu diễn ở Leipzig đã thử nghiệm ba tình huống. Đầu tiên, những người tham gia vờ như đại dịch không tồn tại, không giãn cách xã hội và lấp đầy chỗ trống trong hội trường. Trong tình huống thứ hai, ban tổ chức áp đặt các quy tắc giãn cách nhẹ nhàng. Cuối cùng, họ triển khai các biện pháp một cách nghiêm ngặt.
Trước khi bước vào cuộc thử nghiệm, Spiegel không cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, sau khi rời đi, sinh viên này cho biết anh "có lẽ sẽ rất sợ hãi" nếu không biết mọi người trong khán phòng đều được xác nhận âm tính với nCoV.
Hàng trăm người chen lấn qua một lối ra vào đông đúc, sau đó xếp hàng dài trước quầy đồ ăn bên ngoài. Khi đám đông xếp hàng để lấy bánh, xúc xích và đồ uống miễn phí, các nhà nghiên cứu đã ghi lại hành vi của họ. Gekle cho biết họ đang nghiên cứu xem liệu việc hướng dẫn mọi người tại lối ra vào có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm hay không.
Những người tham gia thử nghiệm còn được phát chai thuốc khử trùng trộn với một loại thuốc nhuộm phát sáng dưới tia cực tím nhằm giúp các nhà nghiên cứu xác định những bề mặt nguy cơ lây nhiễm cao.
Tình huống thử nghiệm đầu tiên gần giống nhất với một buổi biểu diễn trước đại dịch, nhưng dường như bầu không khí kém sôi nổi nhất. Sang những giai đoạn tiếp theo, sự thận trọng dần biến mất. Trong tình huống thử nghiệm thứ hai, ngay cả khi được yêu cầu không rời ghế, một số người vẫn đứng lên và nhảy theo nhạc.
"Chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí của buổi biểu diễn. Vấn đề chủ yếu là phải thở qua khẩu trang", Jana, 37 tuổi, một trong những người tham gia thử nghiệm, cho biết.
Đối với ca sĩ Bendzko, cuộc thử nghiệm đã mang lại cảm giác lạc quan. "Đối với một ban nhạc như chúng tôi, buổi biểu diễn là trải nghiệm thú vị đầy bất ngờ. Thật đáng ngạc nhiên, bởi chúng tôi tưởng rằng nó sẽ tẻ nhạt hơn nhiều", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, Bendzko vẫn cảnh báo về những hy vọng phi thực tế đối với việc nối lại các hoạt động giải trí như bình thường. "Tất cả chúng ta đều được kêu gọi tuân thủ các quy định phòng dịch và cần thỏa hiệp một chút", anh cho hay.
Karsten Gunther, chủ tịch một câu lạc bộ bóng ném ở Leipzig, cho biết khi nhà thi đấu tái mở cửa, ông đã "rớm nước mắt" khi nhìn thấy ánh đèn và cảm nhận sự bình thường quay trở lại phần nào.
"Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy cảnh tượng này một lần nữa", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)