"Những ai có thể gửi loại xe tăng chủ lực như vậy nên thực hiện điều đó ngay lúc này", Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 17/2 nói tại Hội nghị An ninh Munich, đồng thời cho biết ông "sẽ tích cực vận động để các đồng minh có động thái liên quan".
Thủ tướng Scholz cũng khẳng định Đức "sẽ góp phần giúp các đối tác đưa ra quyết định" viện trợ xe tăng, trong đó có đào tạo binh sĩ Ukraine tại Đức hoặc hỗ trợ hậu cần và vật tư cho nước này.
Lời kêu gọi cho thấy thay đổi đáng kể trong lập trường của ông Scholz, sau nhiều tháng Thủ tướng Đức chịu áp lực từ đồng minh để chấp thuận chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Đức cuối tháng 1 thông báo sẽ chuyển một đại đội với 14 chiếc Leopard 2A6, cũng như cùng đồng minh tập hợp đủ hai tiểu đoàn xe tăng loại này cho Ukraine.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 15/2 thừa nhận phương Tây tới nay "chỉ tập hợp được nửa tiểu đoàn Leopard 2A6", gồm 14 xe tăng của Đức và ba chiếc của Bồ Đào Nha. Tiểu đoàn còn sẽ có biến thể Leopard 2A4 cũ hơn, trong đó Ba Lan đóng góp chính.
Các nước phương Tây đang đàm phán với Hà Lan về khả năng chuyển xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine. Tuy nhiên, Đức phản đối đề xuất Hà Lan chuyển 14 trong số 18 chiếc Leopard 2A6 của họ do lo ngại làm suy yếu năng lực tác chiến tiểu đoàn chung của hai nước.
Phương Tây tháng 1 chấp nhận viện trợ xe tăng chủ lực cho Ukraine, trong đó có Leopard 2, M1 Abrams và Challenger 2. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh phương Tây và Ukraine ngày càng lo ngại Nga sắp mở đợt tiến công mới. Lực lượng Nga gần đây đạt được một số bước tiến ở vùng Donbass và đang khép vòng vây quanh Bakhmut.
Nga tiếp tục nhấn mạnh bất cứ vũ khí nào phương Tây chuyển cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và dẫn tới đổ máu không cần thiết. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo "xe tăng Đức sẽ cháy rụi trên chiến trường Ukraine như những phần còn lại của vũ khí phương Tây".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)