Khoản hỗ trợ 1,45 triệu euro (1,64 triệu USD) của Đức nhằm giải quyết các thách thức về phát triển và quản lý ở khu vực hạ lưu sông Mekong, giúp thúc đẩy hợp tác kỹ thuật để thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2021-2025 của Ủy hội sông Mekong (MRC). Hồi tháng 6, Đức cũng đã công bố đóng góp 3 triệu euro (3,4 triệu USD) để thực hiện kế hoạch này, theo thông cáo hôm nay của MRC.
"Khoản tài trợ bổ sung sẽ giúp MRC thiết lập mạng lưới quan trắc ở lưu vực Mekong, bước đi quan trọng để thu được dữ liệu và thông tin kịp thời hơn về tác động từ các dự án hạ tầng thủy lợi trên dòng chính Mekong và các sông nhánh", Christina Seeberg-Elverfeldt, trưởng bộ phận hợp tác của đại sứ quán Đức tại Lào, nói trong buổi lễ tại Vientiane ngày 18/11.
An Pich Hatda, giám đốc điều hành MRC, cho biết các khoản hỗ trợ thể hiện cam kết của Đức với hợp tác trong tương lai "nhằm phát triển có trách nhiệm và quản lý hợp lý lưu vực Mekong".
MRC cho biết khoản hỗ trợ bổ sung của Đức sẽ thúc đẩy năng lực giám sát dòng chảy của sông Mekong, dự án nhằm cải thiện khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tại tiểu lưu vực Tonle Sap.
Đức hợp tác với MRC từ khi ủy hội thành lập năm 1995. Trong những năm qua, Đức cung cấp hơn 50 triệu euro (56,7 triệu USD) hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho tầm nhìn của MRC về "nền kinh tế thịnh vượng, công bằng về xã hội, phù hợp với môi trường và thích ứng khí hậu ở lưu vực sông Mekong".
Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm sinh kế cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.
Nguyễn Tiến