Ba ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz hôm 27/2 có bài phát biểu trước quốc hội Đức, vạch ra thay đổi chiến lược lớn nhất trong chính sách an ninh, đối ngoại và năng lượng của nước này, khiến ngay cả các đồng minh chính trị thân cận cũng bất ngờ.
Những xoay chuyển chính sách này bao gồm tăng ngân sách quốc phòng từ 1,5% GDP lên 2%, lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (110 tỷ USD) để đầu tư cho lực lượng vũ trang, xây dựng hai kho dự trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Thủ tướng Đức cho hay chiến dịch quân sự của Nga chính là "bước ngoặt" tạo nên sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại, quốc phòng của Berlin.
Chiến lược mới của ông Scholz đã làm dấy lên nhiều hy vọng ở phương Tây. Tuy nhiên, khi xung đột quân sự Ukraine đã bước sang tháng thứ ba, những hy vọng này đang dần tắt.
Thủ tướng Scholz vẫn nỗ lực thực hiện một số phần quan trọng trong chiến lược mới của mình. Đức sẽ mua 35 tiêm kích F-35 của Mỹ để thay thế cho những chiếc Tornado già cỗi. Berlin cũng đang mua 140 máy bay không người lái vũ trang từ Israel, đồng thời cân nhắc mua hệ thống chống tên lửa của nước này. Một dự luật đang được xây dựng để đưa quỹ đặc biệt 100 tỷ euro vào hiến pháp Đức.
Ông Scholz cũng tôn trọng lời hứa giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga càng nhanh càng tốt. Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar, những nước xuất khẩu LNG hàng đầu, để thiết lập quan hệ đối tác mới. Ngoài hai kho lưu trữ LNG mới ở Wilhelmshaven và Brunsbuttel, chính phủ Đức sẽ chi 3 tỷ euro để thuê 4 tàu lưu trữ LNG.
Tuy nhiên, ông từ chối chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga như một biện pháp tăng sức ép trừng phạt với Moskva. Mỗi ngày, Đức vẫn trả cho Nga hàng chục triệu euro để mua năng lượng.
"Tôi hoàn toàn không thấy lệnh cấm khí đốt sẽ giúp kết thúc chiến sự. Nếu Tổng thống Vladimir Putin lo ngại về các vấn đề kinh tế, ông ấy đã chẳng bao giờ bắt đầu chiến dịch này", ông Scholz nói trong cuộc phỏng vấn ngày 22/4.
Thủ tướng Đức thêm rằng quyết định không cấm khí đốt Nga của ông còn để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn, khiến không chỉ có Đức gánh chịu hậu quả, mà là cả châu Âu.
Tuy nhiên, điều thể hiện rõ nhất thái độ dè dặt của Đức là nước này từ chối gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bất chấp nỗ lực bơm vũ khí cấp tập gần đây của phương Tây. Kiev tuyên bố họ cần chúng hơn bao giờ hết, bởi xung đột ở miền đông Ukraine nóng thêm từng ngày.
Giải thích về lý do Đức không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, dù đã gửi các thiết bị quân sự khác như tên lửa phòng không và chống tăng, Thủ tướng Scholz nói việc chuyển giao xe tăng có thể dẫn tới cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO với Nga, thậm chí là nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông nói không có quy tắc cụ thể nào cho thấy Đức có thể bị coi là một bên tham chiến trong hoàn cảnh nào. "Đó là lý do chúng tôi phải cân nhắc từng bước và phối hợp với nhau. Tránh leo thang đối với NATO là ưu tiên hàng đầu của tôi", ông cho hay. "Hậu quả của bất cứ sai lầm nào cũng sẽ rất nghiêm trọng".
Thủ tướng Đức trước đó nói rằng đất nước ông "không nên đi một mình" trong cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, thực tế là nhiều đồng minh NATO khác đang gửi cho Ukraine xe bọc thép, trực thăng, pháo hạng nặng và thậm chí cả các bộ phận để lắp ráp chiến đấu cơ. Trong khi đó, Đức ngày càng thể hiện rõ hơn sự dè dặt trong các bước đi của mình.
Đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền của ông Scholz muốn làm nhiều hơn thế. Anton Hofreiter, nghị sĩ đảng Xanh và thành viên của phái đoàn Đức tới Kiev tuần trước, khẳng định Đức phải "cung cấp những gì Ukraine cần và đó là vũ khí hạng nặng".
Hofreiter nói Thủ tướng Scholz "quá do dự". Marie-Agnes Strack-Zimmermann, nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do cũng tham gia phái đoàn tới Kiev, có cùng quan điểm.
Erich Vad, một tướng Đức về hưu, cho biết nếu cung cấp xe tăng Leopard và Marder do Đức sản xuất cho Ukraine, sẽ mất nhiều tuần để huấn luyện binh sĩ nước này cách sử dụng và phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, khi nhiều tháng đã trôi qua, giới quan sát cho rằng cách giải thích này ngày càng giống lời ngụy biện.
"Tôi sẽ không bao giờ trông đợi một chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) làm điều gì trái với mong muốn của đảng mình", Thomas Kleine-Brockhoff , thành viên Quỹ German Marshall của Mỹ, nhận định.
SPD thường thích bắt tay với Nga hơn là đối đầu. Thái độ này giống với Ostpolitik, chính sách nối lại quan hệ với các láng giềng phía đông nước Đức, trong đó có Nga, được đưa ra vào năm 1969 dưới thời thủ tướng Willy Brandt, thành viên của SPD.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner hôm 15/4 thông báo trên Twitter rằng Đức sẽ tăng khoảng 1 tỷ euro cho quỹ giúp đồng minh mua vũ khí, trong đó chủ yếu dành cho Ukraine. Tuy nhiên, điều này dường như không đủ để xoa dịu những lời chỉ trích nhắm vào Đức.
Nhiều đồng minh châu Âu tỏ ra bất bình với Đức, khi cho rằng Berlin đang dao động trong các cam kết xoay chuyển chính sách hồi cuối tháng 2. "Đức đang đánh mất rất nhiều niềm tin chính trị ở Liên minh châu Âu và NATO", Rafael Los, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho hay.
"Nhiều người Đức muốn giúp Ukraine tự vệ, nhưng lại không cung cấp những vũ khí mạnh hơn. Việc thực hiện bước xoay chuyển chính sách đang được tiến hành, nhưng thay đổi trong suy nghĩ của người Đức dường như chỉ mới bắt đầu. Để thuyết phục người Đức, chính Thủ tướng Scholz cũng cần thay đổi", bài bình luận trên Economist hôm 23/4 có đoạn.
Thanh Tâm (Theo Economist, Reuters)