"Các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt MARS II và ba lựu pháo tự hành PzH 2000 đã được chuyển giao. Chúng tôi giữ lời hứa", Bộ trưởng Quốc phòng Đức hristine Lambrecht ngày 26/7 thông báo. Phía Ukraine sau đó xác nhận đã nhận pháo phản lực MARS II từ Đức.
MARS II, còn gọi là LRU hoặc MLRS-I, là phiên bản châu Âu của Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt (MLRS) M270A1. Mẫu pháo này được trang bị Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực châu Âu (EFCS) do Airbus phát triển nhằm vô hiệu hóa khả năng phóng rocket mang theo bom, đạn chùm.
Bộ trưởng Lambrecht cho biết Đức sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Đức dự kiến chuyển 30 tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard với khoảng 60.000 viên đạn, cùng tổng cộng 10 tổ hợp lựu pháo tự hành PzH 2000. Toàn bộ số vũ khí này lấy từ kho của quân đội Đức.
Lực lượng vũ trang Ukraine dự kiến nhận một radar theo dõi hỏa lực pháo binh Cobra vào tháng 9. "Thỏa thuận đã được ký, các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện trên hệ thống rất phức tạp này", Bộ trưởng Lambrecht nói.
Nga chưa bình luận về các thông tin trên.
Pháo phản lực M270 được Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Tây Đức phát triển từ cuối những năm 1970. Mỗi xe phóng có hai khoang chứa có thể tháo rời, mỗi khoang chứa 6 đạn rocket tiêu chuẩn hoặc một tên lửa dẫn đường, song không thể mang cả tên lửa lẫn rocket cùng lúc.
M270 có thể đánh trúng mục tiêu cách 32-80 km khi sử dụng đạn rocket và tới 500 km khi sử dụng tên lửa. Biến thể M270A1 với giáp tăng cường bắn thử lần đầu vào tháng 6/2015 sau khi được nâng cấp. Quân đội Đức đang sở hữu khoảng 40 tổ hợp MARS II, phiên bản châu Âu của pháo phản lực M270A1 cùng 114 tổ hợp M270 được niêm cất.
Anh ngày 1/6 thông báo sẽ cung cấp pháo phản lực M270 cho Ukraine. Động thái chuyển giao các tổ hợp M270 được phối hợp chặt chẽ với Mỹ sau khi nước này cung cấp cho Ukraine Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142. Ukraine ngày 15/7 cho biết đã nhận các tổ hợp M270 đầu tiên.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)