"Chúng tôi đã cung cấp tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine. Tôi đã nói với Tổng thống Ukraine rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho họ một tổ hợp khác để dùng trong những tháng mùa đông", Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 5/10 cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Tây Ban Nha.
Ông Scholz cho rằng "Nga sẽ cố gắng đe dọa hạ tầng và các thành phố của Ukraine trong mùa đông" bằng các vụ tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV), điều này khiến tổ hợp phòng không Patriot trở thành ưu tiên hàng đầu.
Khi được hỏi về thông tin Đức không có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình Taurus với tầm bắn lên đến 500 km cho Ukraine, ông Scholz không đưa ra bình luận.
Thay vào đó, Thủ tướng Scholz nói Patriot sẽ đáp ứng nhu cầu an ninh của Ukraine "ở mức độ rất lớn". "Tất nhiên, chúng tôi phải đảm bảo chiến sự không leo thang và Đức không trở thành một phần trong đó", ông Scholz cho biết.
Đức đã chuyển ba tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine sau khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Ukraine còn nhận một tổ hợp Patriot khác từ Mỹ. Một tổ hợp đã bị hư hại trong đòn tập kích bằng tên lửa của Nga rạng sáng 16/5, nhưng Ukraine tuyên bố nó vẫn đảm bảo khả năng chiến đấu.
Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo Patriot không thể giải quyết được mọi vấn đề phòng không của Ukraine.
Một trong những rào cản với hệ thống Patriot triển khai ở Ukraine là chi phí vận hành. Báo cáo hồi năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết mỗi khẩu đội Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó một quả đạn tên lửa có chi phí xuất xưởng khoảng 4-8 triệu USD tùy phiên bản.
Nga gần đây tăng cường dùng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tập kích mục tiêu Ukraine. Giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là nỗ lực nhằm vô hiệu hóa các tổ hợp phòng không của Ukraine, đặc biệt là Patriot, cũng như làm cạn kiệt đạn phòng không khi buộc họ liên tục khai hỏa tên lửa đắt tiền để đối phó với UAV hoặc tên lửa giá rẻ.
Nguyễn Tiến (Theo CNN, Reuters)