Theo quyết định do Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 6/7, tổng dự toán chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm nay là 379.600 tỷ đồng, cao hơn 17.800 tỷ đồng so với năm trước. Trong đó, mức chi bảo hiểm xã hội là 231.900 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp 20.300 tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế 114.300 tỷ đồng.
Chi phí quản lý bộ máy của bảo hiểm xã hội các cấp và Bộ Quốc phòng, Công an và các đơn vị khác là 4.500 tỷ đồng. Chi phí tuyên truyền, mở rộng diện tham gia các loại bảo hiểm dự kiến hết 7.100 tỷ đồng. Chi ứng dụng công nghệ thông tin 500 tỷ đồng; thực hiện các dự án đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 600 tỷ đồng.
Dự toán chi bảo hiểm xã hội tăng so với năm trước nhiều khả năng do số người rút bảo hiểm một lần tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc.
Dự toán thu ba loại bảo hiểm năm 2023 là 514.300 tỷ đồng, trong đó thu bảo hiểm xã hội 321.400 tỷ đồng; bảo hiểm thất nghiệp 21.700 tỷ đồng; bảo hiểm y tế 122.300 tỷ đồng; tiền lãi của hoạt động đầu tư 48.800 tỷ đồng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ giao dự toán đến từng đơn vị. Đây là căn cứ để các đơn vị phân bổ kinh phí chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, là cơ sở để các đơn vị cân đối quỹ bảo hiểm.
Phó thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Quốc phòng, Công an, Lao động Thương binh Xã hội tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 4,85 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần. Gần 1,3 triệu người trong số này sau đó đã quay lại hệ thống khi tiếp tục đi làm và đóng bảo hiểm (chiếm 26%). Bình quân cứ 1,5 người vào lưới an sinh thì một người rời khỏi hệ thống.
Báo cáo Thủ tướng hôm 30/5, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần chưa dừng lại bởi "làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài tới cuối năm nay". Cơ quan này kiến nghị cho lao động dùng sổ bảo hiểm xã hội thế chấp, vay tiêu dùng ngắn hạn khi thu nhập bấp bênh.
Hồi đáp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay góp ý liên quan chính sách tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ lao động gặp khó khăn do ngừng, mất việc phù hợp với bối cảnh hiện tại. Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và bộ ngành liên quan đề xuất chính sách cho vay phù hợp.
Đến cuối năm 2022, Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt 1,2 triệu tỷ đồng; hơn 17,2 triệu người tham gia, đạt gần 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.