Khảo sát do Ban IV cùng VnExpress thực hiện trong tháng 4 với 8.340 người tham gia nhằm nhận diện tình hình lao động từ nay đến cuối năm, đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp. Báo cáo kết quả khảo sát gửi Thủ tướng hôm 30/5, Ban IV cho biết trong tổng số lao động tham gia trả lời có 14% cho biết từng rút một lần, 45% đang cân nhắc và 41% chọn giữ lại để lấy lương hưu.
Trong số người từng rút một lần, 48% không muốn quay lại mà chọn có tiền sẽ gửi tiết kiệm; 25% cân nhắc và 27% muốn trở lại hệ thống an sinh. Phần lớn lao động rút BHXH một lần do không có tiết kiệm hoặc khoản bù đắp thu nhập khi không có việc làm; lo lắng về sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội; cần tài chính cho nhu cầu trước mắt như mua nhà, lo cho con học đại học, thanh toán khoản nợ hoặc lo ngại lương hưu sau này không đủ sống.
Ban IV nhấn mạnh 14% lao động rút một lần vì lo lắng tính ổn định của chính sách BHXH "là con số đáng lưu tâm" cho các nhà hoạch định chính sách. Bởi BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh với mục tiêu cuối cùng là hưu trí cho người sau tuổi lao động. Mục tiêu đạt được hay không phụ thuộc vào tỷ lệ người tham gia cao hay thấp.
"Nếu chính sách không nhất quán, lao động lo lắng về tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội và chi trả thì tỷ lệ lao động rút BHXH một lần ngày càng cao khiến mục tiêu an sinh không thực hiện được", báo cáo nêu.
Điểm sáng là gần 22% lao động không có việc sẽ dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp cho thấy chính sách đã phát huy vai trò trợ lực cho người lao động. Khoản trợ cấp này là nguồn lực tài chính quan trọng thứ tư với lao động khi không có việc làm sau khoản tiết kiệm (41%), dựa vào thu nhập của người thân (33%) và vay nợ (22%).
Ban IV đánh giá kết quả khảo sát cho thấy xu hướng rút BHXH một lần sẽ chưa dừng lại khi lao động bị đặt trong "làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài tới cuối năm nay". Phần lớn lao động ít có nguồn tài chính dự trữ để duy trì cuộc sống trước mắt.
Nhằm hỗ trợ lao động vượt khó và giảm thiểu tình trạng rút một lần, Ban IV kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu cho phép lao động dùng sổ BHXH để thế chấp, vay tiêu dùng ngắn hạn khi thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.
Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng BHXH hoặc giữ nguyên mức đóng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để lao động có thể dùng một phần thu nhập tham gia các quỹ bảo hiểm khác, đa dạng hóa nguồn tiền tích lũy cho lúc cấp bách.
Ban IV cũng cho rằng, luật sửa đổi cũng nên căn cứ độ tuổi để cho phép lao động lựa chọn được rút BHXH một lần. Cụ thể, phần lớn lao động phổ thông đi làm rất sớm, luật nếu hạn chế thì nên quy định từ 20 đến 45 tuổi không được rút BHXH để tránh mất cân bằng an sinh. Nhưng nhóm lao động từ 45 tuổi trở đi rất khó tìm việc mới nên để cho họ có quyền lựa chọn rút một lần hoặc đóng tiếp để hưởng lương hưu. Với người đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được chọn nghỉ hưu sớm với tỷ lệ thấp hơn người về đúng tuổi.
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định lao động tham gia BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục đóng BHXH thì được rút một lần. Dự luật sửa đổi giữ nguyên quy định này và bổ sung phương án cho người lao động rút 50% tổng thời gian đóng, một nửa còn lại bảo lưu trong hệ thống để đến khi về hưu sẽ được hưởng quyền lợi.
Góp ý cho dự luật, nhiều cơ quan đề xuất cấm mua bán sổ BHXH hoặc mượn giấy tờ người khác để đóng bảo hiểm; kiến nghị bỏ điều kiện chờ 12 tháng mới được rút để hạn chế lao động tìm đến tín dụng đen.
Thống kê giai đoạn 2016-2021, hơn 4,06 triệu người rút BHXH một lần, bình quân mỗi năm gần 700.000 lao động. Trong số này, khoảng 1,2 triệu người tiếp tục đi làm đã quay trở lại hệ thống BHXH; 30.000 người đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH được rút một lần; 20.000 người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đã tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.
Hồng Chiêu