Đánh giá về lý do khiến chiếc du thuyền này "ế" khách sau hơn một năm đấu giá, độc giả Tran Lawyer cho rằng: "23 tỷ đồng vẫn là một số tiền lớn. Người ta hoàn toàn có để đi gom được kha khá bất động sản, để đó 3-4 năm có khi thành 40 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu bỏ tiền mua du thuyền, sau ngần ấy thời gian có khi giá trị còn giảm xuống 5-6 tỷ đồng vì ngoài rớt giá còn phải tốn phí bảo trì, vận hành...".
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV sẽ tiếp tục giảm giá khởi điểm của du thuyền FLC Alabatross xuống còn khoảng 23,2 tỷ đồng (giảm gần 13 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên), sau sáu lần đấu giá nhưng không có người mua từ tháng 11/2022. Đây là chiếc du thuyền được ngân hàng thu hồi sau khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vướng vào lao lý.
Đồng quan điểm cho rằng mức giá rao bán còn cao khiến việc đấu giá bất thành, bạn đọc Vinh Nguyễn bình luận: "Không như ôtô siêu sang ít ra chỉ cần đậu trong garage tử tế thì vẫn không sao, còn du thuyền kể cả hạng rẻ như thế này thì chi phí bảo trì máy, nội thất, thân vỏ... cũng vô cùng tốn kém. Trong khi nếu không đảm bảo thì tài sản sẽ xuống cấp rất nhanh và mất giá nữa, nên không ai muốn mua".
Trong khi đó, nhìn dưới góc độ khác ngoài yếu tố giá cả, độc giả Truongvanphuongstc nhận định: "Người có 100 tỷ đồng cũng chưa dám mua du thuyền này. Còn cỡ đại gia 1.000 tỷ đồng thì họ thà mua du thuyền mới mà dùng cho oách. Trong khi chủ cũ của du thuyền này lại dính lao lý nên sẽ vừa mang tiếng đồ cũ lại xui xẻo. Cứ đà này, có lẽ phải hạ giá bán xuống dưới 10 tỷ đồng may ra mới có người mua".
>> Tăng tiền đặt trước để ngăn bỏ cọc như Tân Hoàng Minh
"Du thuyền hay siêu xe thật ra chỉ tỷ phú họ mới muốn mua. Mà văn hóa Á đông lại rất kiêng kỵ, chủ cũ dính vào lao lý thì dù có bán rẻ mấy người ta cũng chẳng muốn mua", bạn đọc Sông Đông êm đềm nói thêm.
Vậy với những loại hàng đặc biệt thế này cần làm thế nào để thanh lý? Độc giả Thai Anh Le nêu quan điểm: "Tài sản cầm cố ngoài bất động sản ra thì các loại máy móc, thiết bị đều sẽ hao mòn, hư hại theo thời gian. Theo tôi, ngân hàng nên quên cách làm đấu giá kia đi, mà nên tìm người có nhu cầu để rao bán trực tiếp. Chứ mấy thứ sản phẩm xa xỉ, lại là hàng đã qua sử dụng của chủ cũ dính tù tội thì ai có hứng mua giá cao để mà đấu giá?".
Bạn đọc Alain guest cũng gợi ý hướng giải quyết: "Xe hơi còn có thể ước lượng được chất lượng, giá bán nên người ta mới xuống tiền đấu giá, còn du thuyền thì rất khó. Tàu bè bình thường còn phải bảo dưỡng, bảo trì hàng ngày, hàng tháng, huống hồ du thuyền mà lại bỏ không cả năm thì nó xuống cấp thê thảm. Có lẽ, ngân hàng nên định một mức giá thấp rồi hợp tác với một đơn vị nào đó để làm tài sản cùng kinh doanh du lịch thì may ra cái du thuyền này còn có giá trị. Chứ cử bỏ không vậy rồi chờ đấu giá thì mai mốt chỉ có bán sắt vụn".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.