Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trao đổi với VnExpress về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008.
- Thưa bà, tại sao Luật Giao thông đường bộ cần được sửa đổi vào lúc này?
- Qua 12 năm, Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đã góp phần quan trọng hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, an toàn; các phương tiện phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và bị thương, trong đó số người chết giảm từ khoảng 15.000 người vào năm 2009 xuống còn khoảng 8.500 người năm 2019.
Tuy nhiên, đến nay, Luật này đã xuất hiện một số tồn tại cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi, phát triển. Một số luật mới đã được ban hành liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, hay chúng ta chưa có khung pháp lý cho các phương tiện công nghệ mới, giao thông thông minh. Cùng với đó, các quy định của Công ước giao thông đường bộ (Công ước Viên năm 1968) cũng chưa được luật hóa ở Việt Nam dù chúng ta đã là một thành viên tham gia Công ước.
- Những điểm quan trọng nhất của dự thảo Luật đề xuất là gì?
- Dự thảo Luật bổ sung các hành vi cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cấm dùng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, hay cấm quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc; bổ sung các khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng.
Dự thảo cũng sửa quy định về thắt dây an toàn tại các vị trí có dây an toàn; nhường đường cho xe chở học sinh; đưa ra các quy tắc trên đường cao tốc, quy tắc cho người đi bộ; quy định cụ thể trách nhiệm của người có liên quan khi xử lý tai nạn giao thông.
Phương tiện tham gia giao thông cũng được bổ sung về điều kiện của xe cơ giới nhằm đảm bảo an toàn; điều kiện đối với loại xe 4 bánh có gắn động cơ, điều kiện đối với xe thông minh, xe sử dụng công nghệ mới.
Dự thảo Luật cũng cho phép người dân sử dụng giấy xác nhận của tổ chức tín dụng để thay thế khi giấy đăng ký xe được giữ làm tài sản thế chấp; phân ra 17 hạng giấy phép lái xe cho phù hợp Công ước quốc tế về giao thông đường bộ; tăng độ tuổi của người lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ phù hợp tuổi lao động được tăng thêm theo quy định của Bộ Luật lao động.
Ngoài ra, lái xe được theo dõi số lần vi phạm hành chính và số lần tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng trên cơ sở dữ liệu quản lý để thu hồi bằng lái nếu tái diễn nhiều lần, việc này này nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
- Sau hơn một tháng lấy ý kiến các bộ ngành và người dân, những vấn đề nào gây tranh cãi nhất mà Ban soạn thảo nhận được?
- Các nội dung gây nhiều ý kiến tranh luận như quy định về đèn nhận diện của xe môtô; khi đèn xanh mà nút giao ùn tắc, tài xế không được tiến vào nút giao; hoặc các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải...
Ban soạn thảo đã giải thích, cung cấp thông tin đầy đủ đối với các quy định được bổ sung và nghiêm túc tiếp thu, sửa đổi để làm rõ các nội dung quy định, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Ví dụ về đèn nhận diện của xe môtô, dự thảo đã chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông, mà chỉ quy định sử dụng đèn nhận diện nếu phương tiện đó đã có thiết kế loại đèn này. Điều kiện về kinh doanh vận tải cũng đã bỏ yêu cầu bộ phận quản lý an toàn phải tập huấn và nhận chứng chỉ, thay vào đó là việc hậu kiểm của các cơ quan quản lý; quy định về đèn nhận diện với xe môtô cũng bỏ áp dụng với các xe không có thiết kế đèn này.
Các nội dung khác cũng được nhiều người quan tâm như tiêu chuẩn về ghế chuyên dụng cho trẻ em, hay việc kiểm soát khí thải theo lộ trình thế nào... Những vấn đề này đang được các cơ quan như Cục Đăng kiểm nghiên cứu và đưa vào các nghị định, thông tư hướng dẫn sau này.
- Bà kỳ vọng dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ có tác động xã hội như thế nào sau khi được thông qua?
- Như tôi đã trao đổi ở trên, việc sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ vừa phải luật hoá các quy định Công ước Viên và phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong 10-20 năm tới. Vì vậy, các quy định bổ sung, sửa đổi cần tiếp tục được thảo luận, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của người dân, các chuyên gia, doanh nghiệp đồng thời học tập kinh nghiệm quốc tế để có lộ trình phù hợp, đảm bảo khả thi khi triển khai tại Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng dự thảo Luật lần này sẽ tạo cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, phát triển phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông; quản lý kết cấu hạ tầng, phương tiện, lái xe cũng như giám sát, xử lý vi phạm chặt chẽ, minh bạch.
- Là người xây dựng Luật, bà đã chịu áp lực trước dư luận như thế nào?
- Đường bộ là lĩnh vực có sự ảnh hưởng, tác động rộng đến đời sống xã hội, vì vậy chúng tôi cảm thận được sự quan tâm của nhiều người dân, thậm chí bạn bè, người thân của tôi cũng hỏi han, góp ý.
Mỗi nội dung thay đổi chúng tôi đều phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động và nhìn tổng thể để phù hợp với yêu cầu của người dân, sau đó lấy ý kiến rộng rãi.
Hầu hết người dân đều mong muốn các quy định của Luật rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, thuận lợi trong việc áp dụng và các quy định này phải được thực hiện công khai, công bằng và nghiêm túc, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, điều hành và xử lý vi phạm.
Dự thảo Luật hiện vẫn được đăng tải, chúng tôi vẫn muốn lấy ý kiến người dân. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến và chỉnh sửa cho phù hợp với mục tiêu phục vụ người dân, sau đó là nhu cầu quản lý.