![du-luan-thai-lan-lo-nuot-trai-dang-khi-mua-xe-tang-trung-quoc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/10/20/VT-4-6600-1508485808.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MsmPgdPIEW589SJobCvvPQ)
Xe tăng VT-4 trong biên chế quân đội Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.
Quân đội Thái Lan trong tháng 10 tiếp nhận 28 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 do Trung Quốc sản xuất. Dù các quan chức quân sự gọi đây là những xe tăng hiện đại nhất trong biên chế, nhiều người dân nước này lo sợ Thái Lan sẽ lại nuốt thêm một "trái đắng" tương tự thương vụ mua 25 xe tăng Type-69-II của Trung Quốc trước đây, theo Bangkok Post.
VT-4 là phiên bản xuất khẩu của xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba MBT-3000. Đây là một trong những mẫu tăng hiện đại nhất do Trung Quốc tự chế tạo, ứng dụng nhiều công nghệ từ mẫu Type-99A và được lắp hệ thống phòng thủ chủ động GL-5. Xe tăng VT-4 được trang bị pháo nòng trơn cỡ 125 mm, có khả năng phóng tên lửa dẫn đường với tầm bắn 4,5 km. Ngoài ra, VT-4 còn được trang bị súng máy 12,7 mm và 7,62 mm.
Tư lệnh lục quân Thái Lan Chalermchai Sittisad ca ngợi chất lượng của dòng xe tăng VT-4, khẳng định ông đã tới thăm nhà máy sản xuất tại Trung Quốc hồi năm ngoái và chứng kiến tính năng hiện đại của chúng.
Thái Lan đã chi 148 triệu USD cho lô 28 xe tăng VT-4, mỗi chiếc có giá khoảng 5,4 triệu USD, bao gồm cả linh kiện thay thế và hỗ trợ kỹ thuật. Bangkok cho biết xe tăng chiến đấu chủ lực tương tự của các quốc gia khác đều có giá trên 6 triệu USD/chiếc. Nguồn tin quân đội Thái Lan khẳng định giá rẻ và chất lượng ở mức chấp nhận được chính là lý do nước này chọn mua dòng VT-4.
Tuy nhiên, thương vụ này khiến dư luận Thái Lan nhớ tới lô xe tăng chủ lực Type-69-II được nước này mua của Trung Quốc năm 1987. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào biên chế, toàn bộ 25 chiếc xe tăng Type-69-II đã bị loại biên trước thời hạn do gặp nhiều hư hỏng, trục trặc và thiếu linh kiện thay thế.
Chính quyền Thái Lan sau đó cực chẳng đã phải ném số xe tăng này xuống biển để làm rặng san hô nhân tạo vào năm 2010. Số phận của những chiếc Type-69-II này được coi là thất bại đáng quên trong tiến trình mua sắm vũ khí của Bangkok.
![du-luan-thai-lan-lo-nuot-trai-dang-khi-mua-xe-tang-trung-quoc-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/10/20/1-3933-1508488258.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qe9F2oKc4aJyKKcpWeB4Mg)
Một chiếc xe tăng Type-69-II bị chính quyền Thái Lan ném xuống biển năm 2010. Ảnh: Bangkok Post.
Trước những lo ngại này của dư luận, quân đội Thái Lan mới đây tuyên bố lô xe tăng VT-4 sẽ khác xa với Type-69-II, khẳng định chúng có chất lượng cao và giá thành hợp lý, đồng thời khâu hỗ trợ hậu cần kỹ thuật và linh kiện thay thế luôn sẵn sàng.
Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon đã thỏa thuận với người đồng cấp Trung Quốc, cho phép nước này xây dựng cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tăng VT-4 ở một số căn cứ của Thái Lan, cho phép Bangkok lấy linh kiện thay thế ngay khi cần thiết.
Xe tăng VT-4 biểu diễn khả năng cơ động
Tuy nhiên, vẫn có nhiều chỉ trích cho rằng phiên bản VT-4 cho Thái Lan là thiết kế cổ lỗ và được lấy từ kho dự trữ ra, thay vì sản xuất mới. Lý do bắt nguồn từ việc Bắc Kinh bàn giao những chiếc VT-4 sớm hơn dự kiến tới ba tháng.
Ngoài lô xe tăng Type-69-II, Thái Lan cũng từng phải ngậm trái đắng lớn khi mua 4 tàu hộ vệ lớp Type-053H2 từ Trung Quốc với giá 60,3 triệu USD/chiếc, chỉ bằng 1/4 giá các chiến hạm cùng loại của phương Tây. Ngay sau khi nhận bàn giao, hải quân Thái Lan bắt đầu than phiền về chất lượng đóng tàu.
Dây điện của 4 chiếc Type-053H2 đều bị lộ ra ngoài, buộc hải quân Thái Lan phải thiết kế lại mạng điện. Hệ thống kiểm soát thiệt hại trong chiến đấu cũng rất kém, bao gồm thiết bị dập lửa và cửa chống nước không hiệu quả. Hải quân Thái Lan đánh giá nếu vỏ tàu bị thủng, nước sẽ nhanh chóng tràn vào và làm chìm tàu. Bangkok buộc phải chi nhiều tiền của và thời gian để sửa chữa những vấn đề này.
Tới giữa thập niên 1990, Thái Lan đủ tin tưởng năng lực đóng tàu của Trung Quốc để mua hai tàu hộ vệ Type-053 cải tiến (F25T). Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống cảm biến, vũ khí và động cơ của chúng đều do phương Tây sản xuất, thay vì sử dụng sản phẩm của Trung Quốc.
Tử Quỳnh