Vào những ngày trời Sài Gòn trở lạnh, thưởng thức chén súp thơm phức, nóng hổi luôn được nhiều người ưa thích. Tọa lạc tại một con hẻm trên đường Nguyễn Du (quận 1), quán súp cua của anh Tâm bán đến nay đã 24 năm.
Ngày trước, quán nằm ở góc đường Nguyễn Du và nhà thờ Đức Bà, do mẹ anh Tâm đứng bán. Từ lúc bắt đầu có khách đông, ảnh hưởng đến người đi bộ trong khu vực, quán chuyển về địa chỉ hiện tại.
Hương vị món ăn có từ những năm 1990. Video: Phong Vinh.
Gọi là quán nhưng nơi này không có bàn, chỉ có những chiếc ghế nhựa được đặt nép vào hai bên đường. Khách đến đây sẽ gọi món trước rồi chọn chỗ ngồi để thưởng thức sau.
Để cho ra nồi súp cua, hai vợ chồng anh Tâm phải đi chợ từ sáng sớm rồi chuẩn bị từ các công đoạn sơ chế đến nấu nướng.
Không khác mấy so với những hàng súp cua ở Sài Gòn, thành phần chính của món ăn gồm: cua, bột năng, nấm đông cô, nấm tuyết, trứng cút, các loại gia vị và không thể thiếu món trứng bắc thảo. "Bắc thảo khi mua phải lựa loại ngon. Trứng bán cho khách phải chín, trứng nào chưa chín phải để riêng ra lúc lột vỏ.", anh Tâm chia sẻ.
Trước khi luộc cua sẽ được làm sạch, sau khi chín phải để nguội rồi đem đi lột vỏ lấy thịt. Quan trọng nhất vẫn là công đoạn nêm nếm gia vị. Theo chủ quán, nhờ tận dụng nước luộc cua để nấu mà súp có vị ngọt và đậm đà hơn.
Chén súp dậy mùi thơm phức, sóng sánh và lúc nào cũng được múc đầy mép, bên trong là hai quả trứng cút, hành ngò, hành phi, tiêu xay, một chút dầu mè và tương ớt theo yêu cầu của khách. Bạn có thể xin thêm chút ớt xay hoặc nước tương tùy khẩu vị.
Địa chỉ này mở cửa từ 11h trưa đến 9h tối, thường đông vào tầm 5 giờ chiều. Thực khách đến quán rất đa dạng, từ nhân viên văn phòng, người đi làm đến học sinh, sinh viên lẫn những người lớn tuổi.
Ngoài súp cua, quán còn phục vụ gỏi đu đủ với giá 15.000 đồng một đĩa, nước mía 5.000 đồng một ly. Xe của khách để ở phía trước, giá 5.000 đồng một lượt gửi. Quán thoáng đãng và có mái che khi trời mưa.