Cara Taylor, một cây bút của trang Culture Trip, đã có chuyến du lịch Sài Gòn cuối năm 2016 và khám phá ẩm thực cũng như tìm hiểu, gặp gỡ những người bán hàng đường phố ở đây. Đi cùng Cara là hai người bạn Zoe Shwidock và Emily Jane Smith. Trong hành trình, họ đã khám phá ra nhiều món ngon và cả chuyện về những phụ nữ bán hàng rong nơi đây.
Bánh mì ốp la
Chị Xuân là người bán bánh mì ở Sài Gòn được 13 năm. Chị vừa kể chuyện cho nhóm du khách nước ngoài vừa luôn tay làm các công đoạn như đập trứng làm ốp la, cho các nguyên liệu như rau mùi, dưa chuột, tương ớt... vào bánh mì. Sự kết hợp của vị mặn, cay, giòn rụm của chiếc bánh mì nhỏ tạo nên sự hòa quyện trong ẩm thực Việt và Pháp.
Bánh mì có nguồn gốc từ Pháp, du nhập vào Việt Nam và hiện là một món ăn có ở khắp nơi tại đây. Chị Xuân học được cách làm bánh mì từ bạn bè nhiều năm trước. Bán bánh mì trở thành nghề nuôi sống gia đình chị Xuân. Chị vẫn luôn cố gắng làm bánh mỗi ngày một ngon hơn, phục vụ khách nhanh hơn.
Súp cua
Điểm tiếp theo thu hút sự chú ý của nhóm Cara là một quầy đồ ăn cách xe bánh mì chị Xuân chỉ vài mét. Đó là quầy của chị Chè bán súp cua - một món ăn nấu từ cua, trứng chim cút, ớt tiêu, thêm chút rau mùi và tương ớt lên trên. Cốc súp nóng hổi, cay nồng mà thơm phức làm thực khách khó kìm lòng.
Chị Chè cũng là một người bán hàng rong được 20 năm qua, nên công việc lấy súp, đóng gói cho hết khách này đến khách khác với chị không mấy khó khăn. Công thức làm súp của chị trong 20 năm qua không hề thay đổi, vẫn theo cách nấu mà chị gái truyền lại. Chị Chè ăn cũng vị súp cua này từ khi còn là một đứa trẻ.
Video: Emily Jane Smith.
Cơm tấm
Sau cốc súp cua đầy đặn, nhóm của Cara đến với hàng cơm tấm của chị Thanh. Tuy mới mở hàng chưa lâu, Thanh đã học được cách nấu cơm ngon từ mẹ mình. Cơm tấm là một đĩa cơm đi kèm với thịt heo nướng, trứng cuộn và thêm salad dưa chuột.
Đĩa cơm tấm có đủ vị từ cay, ngọt tới chua, mặn và còn cung cấp nhiều dinh dưỡng. Giống như những phụ nữ bán hàng ăn nhóm Cara gặp trước đó, Thanh cũng ăn cơm tấm khi còn bé và học cách nấu từ đó. Khi được hỏi tại sao chọn cơm tấm để bán thì cô gái ngại ngùng trả lời rằng cô rất thích ăn món này.
Video: Emily Jane Smith.
Bún riêu
Cạnh hàng cơm của Thanh là một phụ nữ lớn tuổi. Bà đang làm món bún riêu - một loại bún phổ biến của Việt Nam với nước dùng nấu từ cà chua, riêu cua, bún tươi và cả thịt heo. Tập hợp hương vị từ các nguyên liệu và gia vị tạo lên một tô bún ngon tới mức Cara và bạn bè chưa từng ăn ở nơi nào khác. Tô bún riêu vừa béo ngậy vừa chua cay hài hòa.
Chủ hàng bán món này từ khi còn rất trẻ và học được cách nấu từ mẹ mình rồi tự mở hàng riêng. Đây cũng là nghề truyền thống của gia đình bà khi cô cháu gái ngồi cạnh đó sẽ là người kế tiếp làm bún riêu sau khi bà nghỉ.
Bánh tiêu
Quanh một góc phố và con đường nhộn nhịp người qua, nhóm của Cara tìm được xe bán bánh tiêu của chị Quyên. Bánh tiêu là một loại bánh ngọt bình dân làm từ bột mì nhào, rắc thêm vừng lên trên, trông bề ngoài như bánh bao rắc vừng. Tuy nhiên, bánh tiêu có vị ngọt nhẹ, không thêm nhiều thứ ăn kèm như bánh donut.
Chị Quyên làm bánh tiêu bán đã được nửa đời người. Khi được hỏi về nguồn cảm hứng khiến chị chọn làm bánh tiêu thì chị chỉ cười và kể, nhiều năm trước chị cần tìm việc để hỗ trợ gia đình thì được bạn bè dạy làm bánh tiêu. Trải qua nhiều năm, chị dần yêu thích nghề này và sống với nó.
Video: Emily Jane Smith.
Bánh khọt
Hành trình khám phá ẩm thực đường phố của Cara và bạn bè kết thúc với món bánh khọt trong một quán ăn. Dù họ không ăn ở một quầy hàng bán trên vỉa hè nhưng đây cũng là món ăn đường phố phổ biến. Chủ hàng là một phụ nữ đã bán bánh khọt được 17 năm, bà luôn tận tâm làm bánh phục vụ khách.
Bánh khọt là đặc sản của Vũng Tàu sử dụng nguyên liệu chủ yếu là hải sản như tôm, mực, có thêm bột tôm và các loại rau thơm ăn kèm. Sự tươi ngon, giòn của rau thơm, rau diếp ăn kèm hài hòa với vị mặn, béo ngậy của vỏ bánh và vị cay của mắm chấm. Món ăn này và sự thơm ngon của nó làm Cara nhớ mãi và hy vọng có dịp quay lại Việt Nam để thực hiện tiếp một chuyến du lịch tìm hiểu ẩm thực mới.
Video: Emily Jane Smith.
Theo The Cultrue Trip