Khi Lee Su Pei gặp một người đàn ông quyến rũ có tên là Jerry Kong ở quê nhà Penang, Malaysia, trình độ nấu ăn của cô đã ở mức "đỉnh cao". Nhưng khi nhận ra Jerry đến từ một gia đình có tay nghề cao trong ẩm thực Nyonya, cô biết rằng tương lai phía trước sẽ rất khó khăn. Nếu cô muốn tiếp tục hẹn hò và làm dâu nhà Jerry, cô sẽ phải nhớ hàng nghìn công thức nấu ăn và trình độ bếp núc phải lên cao hơn nữa.
Không riêng Su Pei, những phụ nữ ở Penang luôn phải là những người nấu ăn giỏi, nếu không sẽ rất khó trở thành con dâu tốt hay người chủ gia đình.
Dưới sự giám sát chặt chẽ của bà nội chồng và mẹ chồng, Su Pei đã trải qua những kỳ huấn luyện gắt gao. Đây cũng là dịp cô được học mọi thứ về nấu ăn với hơn 500 công thức khác nhau.
"Kỹ thuật của bà và mẹ chồng rất bí mật. Tôi nghĩ mình cứ như làm việc cho CIA vậy, vì phải bí mật và giữ kín mọi thứ", cô nhớ lại với một nụ cười trên môi.
"Các công thức nấu ăn của người mẹ, con dâu phải mô phỏng lại một cách hoàn hảo. Nếu đồ ăn không đạt tiêu chuẩn, những người đàn ông trong gia đình sẽ rời khỏi bàn ăn. Tôi từng rất chán nản vì sau một ngày nấu ăn vất vả mà không ai đánh giá cao món ăn của mình. Họ tẩy chay nó", Pei nhớ lại.
Không riêng Su Pei mà tất cả phụ nữ Nyonya từng phải trải qua những bài đào tạo khó khăn này của mẹ chồng, để bảo tồn truyền thống ẩm thực nổi tiếng của họ.
Thế kỷ 16, những người nhập cư từ Trung Quốc lấy người Malaysia, và tạo ra lớp người lai Peranakan. Đây là những gia đình quý tộc, sở hữu nền ẩm thực độc đáo. Ẩm thực Nyonya là sự kết hợp của ẩm thực Trung Quốc với sự ảnh hưởng của nền văn hóa Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh. Chúng được thể hiện qua phong cách pha chế, sử dụng các loại gia vị như ớt, nghệ, gừng, hoa hồi, đinh hương và các loài cây lá địa phương như daun kesum, daun kaduk...
Ngoài việc sử dụng các loại gia vị, kỹ thuật nấu ăn yêu cầu đạt đến độ chính xác cao cũng là một trong những yếu tố khiến ẩm thực Nyonya nổi tiếng trong cộng đồng người Peranakan.
Ví dụ như một món ăn đơn giản như Ulam nasi (cơm trộn với các loại thảo mộc), bạn phải pha trộn chính xác tỷ lệ của 18 loại thảo mộc và gia bị bằng mắt, đập bằng chày và trộn bằng tay.
Đàn ông Peranakan được gọi là Baba (chú), phụ nữ gọi là Nyonya (dì). Và không phải ngẫu nhiên, ẩm thực của họ được đặt tên theo người phụ nữ - ẩm thực Nyonya, do các công thức nấu ăn chỉ được truyền từ mẹ sang con gái, mẹ chồng tới con dâu, những người làm chủ gia đình.
"Tất cả công thức nấu ăn của chúng tôi đều xuất phát từ bộ nhớ", Su Pei cho biết. "Công thức được truyền miệng, do đó khi nấu ăn cạnh một matriarch (người phụ nữ làm chủ gia đình), bạn sẽ biết ngay công thức tại chỗ. Tuy nhiên, nấu ăn ngon lại là cả vấn đề. Mỗi matriarch đều có công thức nấu ăn riêng. Bà ngoại tôi nói rằng, nấu ăn với trái tim và niềm đam mê sẽ khiến người ăn cảm nhận được về con người bạn. Nấu ăn là một di sản trong gia đình tôi".
Tuy nhiên ngày nay, sự cám dỗ của các thiết bị nấu ăn hiện đại và phụ nữ Nyonya trẻ không muốn học hỏi các kỹ thuật nấu ăn cũ, là những nỗi lo làm mai một nền ẩm thực Nyonya. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong công thức nấu ăn, sự chia sẻ công thức nấu ăn bằng miệng cũng đang là lý do khiến nền ẩm thực nổi tiếng một thời này chết dần chết mòn.
"Điều quan trọng nhất là không được nản lòng trong nhà bếp. Nếu tôi có con, tôi hy vọng chúng sẽ tiếp tục truyền thống này. Tôi muốn chúng hiểu được giá trị văn hóa, tôn trọng những người lớn tuổi và trân quý từng phần của văn hóa", Yong Yee, cô con gái 17 tuổi của Jerry Kong và Sui Pei cho biết.