Thứ bảy, 4/1/2025
Thứ hai, 26/9/2016, 12:03 (GMT+7)

Cuộc sống ở nơi phụ nữ 'làm chồng'

Vùng cao nguyên ở Tây Sumatra, Indonesia được coi là thánh địa của nữ giới khi ở đây, phụ nữ mới là người nắm mọi quyền lực trong tay.

Vùng cao nguyên Tây Sumatra, Indonesia là nhà của các nhóm bộ tộc Minangkabau - nơi mà chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại, phụ nữ mới là người cai trị, quyết định mọi thứ còn đàn ông chỉ là khách trong nhà vợ.

Theo truyền thuyết, giữa thế kỷ 12, vua Maharajo Dirajo, người thành lập vương quốc Koto Batu, qua đời và để lại 3 người con trai còn thơ dại và 3 người vợ trẻ. Người vợ đầu tiên, Puti Indo Jalito, đã dạy dỗ những đứa trẻ và cai quản vương quốc, tạo tiền đề cho một xã hội mẫu hệ như ngày nay ở Tây Sumatra.

Ở đây, người dân theo trường phái duy linh, thờ các yếu tố thiên nhiên, Ấn Độ giáo và Phật giáo. Pawang là những người dùng tinh thần để chữa bệnh cho người dân, có khả năng dự đoán tương lai và giao tiếp với thế giới tâm linh.

Theo phong tục bản địa, chú rể sẽ tới nhà cô dâu sinh sống cùng cả gia đình vợ. Nhà cô dâu sẽ chuẩn bị của hồi môn cho đôi trẻ, và món quà này sẽ dựa trên trình độ học vấn và nghề nghiệp của chú rể.

Trong đám cưới, mọi người sẽ chơi nhạc cụ có tên là gandang tambua (một loại trống). Các cô gái sẽ nhảy múa để chào đón chú rể về nhà mới.

Các thành viên của nhà gái sẽ mang đồ hồi môn để hỏi chồng cho con.

Trong gia đình, người phụ nữ có quyền quyết định mọi thứ. Họ kiểm soát đất đai, tài sản và phân giải mọi tranh chấp cũng như đóng vai trò chính trong việc bàn bạc các cuộc hôn nhân. Nam giới kiếm tiền để chăm sóc và nuôi nấng con cái. Họ thường ra ngoài làm việc để kiếm tiền và thỉnh thoảng mới về nhà. Tất nhiên, họ cũng không có tiếng nói trong nhà về các vấn đề nội bộ.

Theo truyền thuyết, đức vua của đế quốc Majapahit ở Java tuyên chiến với những người Minangkabau. Người đứng đầu vùng đất Sumatra đã đề nghị mỗi bên cử ra một con trâu để tranh đấu, thay cho chiến tranh thực sự. Trâu của người Minagkabau chiến thắng. Do đó, cái tên Minangkabau được tạo bởi từ Minang (chiến thắng) và kabau (trâu nước). Đây cũng là lý do mái nhà và đồ để đội đầu của phụ nữ có hình dạng như một cái sừng trâu.

Ảnh: BBC.

Anh Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net