Dennis Doucet, nhiếp ảnh gia Canada sống ở Kobe 26 năm, khi thực hiện bộ ảnh về loài diệc và cò trắng Nhật Bản phát hiện ra những chiếc đầu ma-nơ-canh. "Chúng xuất hiện bất thình lình giữa ruộng lúa trông như đầu của những xác chết không thân thể trôi nổi trong bóng tối", Dennis tả.
Những chiếc đầu mọc rêu mốc hoặc bị bạc trắng bởi ánh nắng mặt trời càng khiến chúng rùng rợn. Hầu hết người Nhật (không phải nông dân) cũng đều thấy chúng dọa con người phát sợ hơn là dùng để đuổi động vật tránh xa đồng ruộng.
Bù nhìn Nhật Bản gọi là “kakashi” có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa nông nghiệp của đất nước, với nhiều truyền thuyết xung quanh việc sử dụng chúng chủ yếu trên các cánh đồng lúa.
Thay vì những bù nhìn bằng rơm hoặc gỗ như thời xưa, phiên bản mới nhất của bù nhìn ở Nhật là những chiếc đầu ma-nơ-canh cũ. Chúng thường được các nhà tạo mẫu tóc sử dụng để thực tập sau đó mang cho nông dân làm bù nhìn. Những chiếc đầu có kích thước, hình dạng như thật, được xiên que và cắm trên đồng lúa để đuổi chim sẻ.
Lái xe về vùng quê Nhật Bản, Doucet đếm được ít nhất hơn chục cánh đồng khác nhau dùng ma-nơ-canh làm bù nhìn. Hai nông dân anh gặp khi đi chụp hình cho rằng bù nhìn là cách hiệu quả nhất để đuổi chim sẻ, còn việc dùng súng hơi quá ồn ào gây phiền toái cho người xung quanh.
Một chủ ruộng có nhà làm nông 15 thế hệ, cho biết ông bắt đầu sử dụng đầu ma-nơ-canh làm bù nhìn khoảng 5 năm trước, khi người làm thuê nhà ông học cắt tóc và vứt đầu ma-nơ-canh không thể tái sử dụng đi. Ông cho rằng thời gian sử dụng đầu bù nhìn là vấn đề mấu chốt. Khi lúa sắp thu hoạch được, chim sẻ rình rập ăn, sự xuất hiện của các "kakashi" giúp ích rất nhiều cho người nông dân.
Tuy nhiên, Kensuke Okada, một giáo sư tại Đại học quốc tế Tokyo, làm việc cho chương trình Nghiên cứu phát triển nông nghiệp nói, bù nhìn là một cách không hiệu quả để bảo vệ cây trồng khỏi chim chóc nhưng được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản.
Ảnh những chiếc đầu ma quái trên đồng ruộng Nhật Bản
Như Bình (theo CNN)