Là một trong những kiệt tác được trưng bày tại bảo tàng Louvre (Paris, Pháp), tấm phù điêu người đàn ông già ngậm bầu ngực cô gái trẻ luôn tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem. Không chỉ tại bảo tàng, bức tranh này còn xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, với các chất liệu khác nhau. Chúng đều có chung một tên gọi là Cimon and Pero (hay Roman Charity - Lòng từ thiện La Mã).
Bức tranh tái hiện câu chuyện về sự hiếu thảo của nàng Pero đối với người cha Cimon. Người đàn ông già vì mắc tội mà bị vào tù. Hình phạt là không được ăn (cấm thực) và bị giam cho đến chết. Người con gái hàng ngày vào thăm, chứng kiến cảnh cha chết dần chết mòn vô cùng đau lòng. Vì đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ, cô gái đã lén vạch bầu ngực căng đầy sữa của mình để cha bú. Nhờ đó, người đàn ông đã thoát khỏi cơn đói khát.
Hành động của cô gái cuối cùng không qua mắt được các giám ngục. Nhưng họ bị xúc động mạnh mẽ trước lòng hiếu thảo và tình nhân ái mà cô dành cho đấng sinh thành. Do đó, người đàn ông già đã được thả ra.
Tuy nhiên, câu chuyện trên chỉ là một dị bản của dân gian. Còn theo nhà sử học nổi tiếng Valerius Maximus (trong cuốn Memorable Doing and Saying of Ancient Romans, thời vua Tiberius trị vì), thời La Mã có một người đàn bà vì phạm tội mà bị giam trong ngục. Tại đây, bà bị hành hình bằng cách bóp cổ đến chết. Giám ngục vì thương hại nên không thực hành án ngay. Ông thậm chí còn cho phép người con gái vào thăm mẹ, nhưng tuyệt nhiên không được mang thức ăn theo vì nghĩ rằng, sớm muộn người đàn bà cũng chết vì đói khát.
Cô con gái khi đó vào thăm đã vạch bầu ngực cho mẹ bú. Người cai ngục kể lại câu chuyện này cho cấp trên, và cuối cùng quan tòa quyết định tha tội cho người mẹ.
Không ít du khách đến từ các quốc gia trên thế giới đã để lại bình luận trên các diễn đàn rằng, họ cảm thấy bị sốc trước cách truyền đạt của Jean Goujon khi nhìn vào bức tranh này. Khi nhìn thoáng qua, có vị khách khó tính còn cho rằng, tại sao nước Pháp lại chấp nhận một bức tranh dung tục nằm ngang hàng với các kiệt tác khác, như Mona Lisa. Tuy nhiên khi biết được câu chuyện đằng sau đó, họ lại mang nhiều cảm xúc khác và sự khó chịu, ấn tượng khinh miệt ban đầu biến mất.
Không chỉ Jean Goujon, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở mọi thời đại đã lấy cảm hứng từ câu chuyện này và sáng tác các tác phẩm hội họa. Một trong những bức tranh nổi tiếng là của danh họa Rubens.
Một số tác phẩm nói về câu chuyện của Pero và Cimon
Theo Livescience, Lourve là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới và là nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng nhất trong lịch sử. Do đó, du khách khó có thể chiêm ngưỡng tất cả tác phẩm trong một lần tham quan. Tráng lệ, phù hoa và ấn tượng mạnh mẽ là những cụm từ được du khách nhắc đến nhiều nhất khi ghé thăm nơi này. Bảo tàng nằm dọc theo bờ sông Seine, Paris. Ban đầu, bảo tàng được xây dựng như một pháo đài vào năm 1190, và được trùng tu vào thế kỷ 16 như một cung điện để phục vụ hoàng gia. Những năm sau đó, nơi đây liên tục được mở rộng. Diện tích hiện tại là hơn 60.000 m2. Năm 1793, vua Louis XIV chuyển toàn bộ nơi ở của hoàng gia tới Versailles, và Louvre trở thành bảo tàng nghệ thuật, trưng bày các bộ sưu tập, hiện vật của hoàng gia. Dưới triều đại của Napoleon, bảo tàng được đổi tên thành bảo tàng Napoleon. Tuy nhiên, sau sự thất bại tại Waterloo, bảo tàng trở lại như cái tên ban đầu. Bộ sưu tập của Louvre bao gồm các đồ cổ Ai Cập, tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại, đồ trang sức, vương miện cùng nhiều hiện vật của quý tộc Pháp. Giờ mở cửa: Bảo tàng mở cả tuần, trừ thứ ba, từ 9h sáng đến 18h. Vào thứ tư và sáu mở cửa tới 21h45. Bảo tàng cũng đóng cửa vào một số ngày lễ như năm mới, quốc tế lao động và Giáng sinh. Bảo tàng mở cửa tự do cho người dưới 18 tuổi, những người khuyết tật và người đi kèm chăm sóc họ, những người đang nhận trợ cấp xã hội (phải xuất trình được giấy tờ chứng minh). Du khách có thể mua vé online hoặc trực tiếp. Giá vé vào khoảng 15 euro. |
Xem thêm Của quý bị sờ mó nhiều nhất Paris
Anh Minh