Theo Business Insider, không ít người cho rằng đến du lịch ở nơi vừa xảy ra thiên tai hay khủng bố là một ý tưởng điên rồ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều phượt thủ, đó là lúc người dân ở khu vực gặp nạn cần sự hỗ trợ của du khách nhất - bằng cách tới đây du lịch và vực lại nền kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, tại những nơi vừa xảy ra khủng bố, an ninh sẽ được thắt chặt hơn bao giờ hết, và khả năng bạn phải đối diện với nguy hiểm là rất thấp.
Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan là những ví dụ điển hình cho việc du lịch trở thành liều thuốc bổ giúp họ phục hồi lại nền kinh tế.
Năm 2011, Nhật Bản đối mặt với trận động đất và sóng thần, dẫn đến thảm họa hạt nhân tại Fukushima. Nhưng nhờ có du khách, ngành du lịch nước này chỉ mất 2 năm đã có thể phục hồi nền kinh tế như trước khi có thảm họa.
Fukushima hóa thành phố ma sau thảm họa kép. Video: Barcroft.
Sau thảm họa sóng thần Boxing Day vào năm 2004, Thái Lan bắt đầu chiến dịch quảng bá với lời kêu gọi của thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ, Thaksin Shinawatra, hy vọng du khách "ngừng sợ ma" và quay lại nơi đây. Và sau 10 năm, đảo Phi Phi đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ không ngừng, phần lớn sự hồi sinh này là nhờ du lịch.
Một ví dụ tương tự vào năm 2002, sau trận đánh bom ở Bali, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch của Indonesia đã mau chóng kêu gọi mọi người trở lại Bali, khẳng định rằng việc cô lập người dân Bali không hề giúp ích gì. Tới nay, đời sống của người dân ở đây đã được nâng cao hơn rất nhiều nhờ các hoạt động liên quan đến du lịch.
Du lịch đã tự chứng minh là một ngành công nghiệp dẻo dai, mặc dù ngành này có thể phải chịu những cú sốc từ vô số biến cố do con người hay thiên nhiên, với mức độ rủi ro ngày càng tăng. Thiên tai có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng ban đầu, nhưng thiệt hại sẽ dần phục hồi, thậm chí biến mất hẳn.
Những du khách tiềm năng có thể trở nên quen với rủi ro nếu biến cố xảy ra thường xuyên hơn, các yếu tố gây sốc sẽ giảm dần theo thời gian. Điều này được chứng minh sau hàng loạt vụ khủng bố tại châu Âu trong vài năm gần đây.
Những vụ tấn công có thể khiến nhiều người e ngại du lịch châu Âu, nhưng người ta đã chứng kiến không ít lần ngành du lịch của các nước trỗi dậy mạnh mẽ khi mối nguy hại bị phá bỏ.
Gần đây, cả Caribbean và Mexico đều phải hứng chịu nhiều thiên tai. Bão Irma và Maria đã tàn phá vùng biển Carribean, gây ra thiệt hại lớn về người và của. Ngày 19/9, trận động đất lớn xảy ra ở Mexico, cướp đi sinh mạng của 326 người, theo CNN.
Động đất lớn xảy ra ở miền nam Mexico khiến du khách hoảng loạn. Nguồn: YouTube.
Hiện tại không phải thời điểm thích hợp cho du khách để trở lại Mexico hoặc các hòn đảo Caribbean bị ảnh hưởng tồi tệ nhất từ thiên tai, khi người dân chưa vượt qua những mất mát. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ và an ninh không được đảm bảo tại các khu vực này cũng khiến nhiều du khách chùn bước.
Tuy nhiên, những quốc gia đang phát triển như Mexico cần nguồn thu nhập, các cơ hội việc làm hay ngoại hối từ du lịch. Nếu du khách tránh xa những điểm đến này quá lâu, người dân địa phương sẽ không chỉ mất những tài sản hay người họ quý mến, thậm chí, họ còn mất đi kế sinh nhai, theo Business Insider.
Việc tôn trọng tới những người đã mất mạng trong trận động đất rất quan trọng, nhưng chừng nào các cơ quan ngoại giao không phản đối hoạt động du lịch tại những điểm từng bị thiên tai tàn phá, du khách quốc tế vẫn có nhiều lý do để đến đây.