Những du khách dưới đây chia sẻ những bức ảnh họ chụp thành phố New York một ngày trước vụ khủng bố 11/9/2001 và trải nghiệm cá nhân khi may mắn không trở thành nạn nhân trong thảm kịch.
Đoạn video hiếm ghi lại khoảnh khắc chiếc máy bay đầu tiên lao vào tòa WTC. Nguồn: YouTube.
Mike Horan, du khách Ireland
10/9 là một ngày thư thả trong chuyến du lịch New York năm 2001 của tôi và bạn gái. Chúng tôi đến từ Limerick, Ireland để qua Manhattan thăm chị gái.
Chiều hôm ấy, chúng tôi đi phà ra đảo Ellis. Tôi nhớ rõ khung cảnh ấn tượng phía chân trời New York nhìn từ vịnh Upper New York, tòa Tháp Đôi nổi bật hơn hẳn. Tới đảo, tôi nhờ cô bạn gái chụp một bức ảnh với những tòa cao ốc phía sau.
Trước 9h sáng 11/9/2001, tôi tỉnh giấc trong căn hộ của chị sau tiếng chuông điện thoại kèm lời nhắn: "Nếu có ở đó, hãy bật ti vi lên xem, nhanh lên!".
Những gì chúng tôi thấy trên bản tin là hình ảnh tòa tháp ngùn ngụt khói, tôi đoán đó chỉ là tai nạn của máy bay nhỏ. Nhưng khi chiếc máy bay thứ 2 lao vào tòa tháp còn lại, mọi thứ trở nên khó tin. Chúng tôi tự hỏi tới bao giờ chuyện này sẽ kết thúc, khi máy bay liên tiếp rơi xuống khu Pentagon hay Pennsylvania...
Khoảng 12h30, chúng tôi xuống phố, chứng kiến hàng nghìn công nhân đang di tản. Máy bay chiến đấu bay sát những con phố khiến khung cảnh giống như một bộ phim.
Chúng tôi xếp hàng hiến máu nhưng nhân viên y tế nói họ chỉ tìm máu từ công dân Mỹ.
Tôi đã chứng kiến những con phố ma trống rỗng của Manhattan sau 11/9. Tôi sẽ không bao giờ quên những tấm poster tìm người thất lạc dán khắp thành phố sau thảm kịch. Nhiều người chờ đợi trong vô vọng khi tập trung ngoài bệnh viện, mong tìm thấy người thân an toàn..
Evan Kuz, du khách Mỹ
Đó là lần đầu tiên tôi đến New York, cảm giác thật thích thú nhưng cũng không kém phần lo lắng. Tôi ở nhờ nhà bạn nhưng không muốn phiền họ thêm, tôi tự đi thăm thú xung quanh. 10/9/2001 là một ngày đầy nắng, tôi ghé qua Manhattan vào đầu giờ chiều, để đi phà ngắm Tượng Nữ thần Tự do và Bảo tàng Di cư trên đảo Ellis.
Khi bấm máy chụp bức ảnh trên, tôi đang đứng dưới chân Tượng Nữ thần Tự do. Thời tiết thay đổi trong giây lát, tòa tháp đôi đang hứng nắng nhanh chóng chìm giữa những đám mây giông.
Vài giờ sau trời đổ mưa, tôi lại tình cờ gặp một nữ du khách Đông Âu đang đi nghỉ ngắn ngày tại New York. Tôi quyết định cùng cô đến đài quan sát trên tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương Mại Thế giới, dù thời tiết không lý tưởng.
Bên trong đài quan sát gần như trống không, chúng tôi cũng không thể ra ngoài sân thượng vì trời mưa. Tôi và cô ấy đành hẹn nhau khoảng 8h45 ngày hôm sau tại WTC, hi vọng có tầm nhìn lý tưởng từ trên cao khi trời đẹp hơn.
Sáng 11/9/2001, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường tới WTC thì bạn lại rủ đi chạy. Tới giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao mình lại nhận lời bạn, thay vì đến thẳng tòa tháp như đã định.
Khi đang tắm gội sau buổi chạy, tôi nhận điện thoại của chị gái từ Canada để xem mọi chuyện có ổn thỏa hay không. Đó cũng là lúc tôi biết tin một trong hai toà tháp bị máy bay đâm.
Thật hoang đường, tôi mất một lúc mới có thể hiểu được chị gái đang nói gì. Ngay lập tức tôi gọi cho bạn và hàng xóm xem tin tức trên ti vi. Tôi bị sốc, tai như ù đi, tôi không tin vào những gì mình nhìn thấy nữa.
Nghĩ đến người bạn mới quen hẹn gặp tại WTC, tôi tìm mọi cách để gọi cho cô ấy dù mọi đường dây đều ngưng trệ. Hóa ra, cô ấy nghỉ tại một khách sạn gần tòa tháp và cũng tới trễ.
Sau tất cả, tôi đoàn tụ với gia đình tại Canada nhưng cảm giác nặng nề vẫn dai dẳng, đặc biệt là trong 6 tháng tiếp sau vụ khủng bố. Như một lẽ tự nhiên, gia đình và bạn bè rất tò mò về câu chuyện của tôi ngày 11/9 nhưng tôi không muốn gợi nhắc thêm.
Tôi không thể xem tin tức hay đọc bất cứ bài báo nào nhắc đến vụ khủng bố. Gần nửa năm sau, cuối cùng tôi cũng thu hết can đảm xem đoạn video về thời khắc lịch sử ngày 11/9 - như một đoạn phim giả tưởng của Hollywood.
Từ khi thảm kịch xảy ra, dường như một sợi dây vô hình kết nối tôi với New York. Cảm giác ấy chỉ rõ ràng hơn khi có ai đó gọi tôi là "công dân danh dự" của thành phố.
Tôi biết mình phải quay lại New York vào một ngày nào đó, nhưng tới mùa xuân năm 2006 tôi mới làm vậy. Cảm giác không hề lạ lẫm như tôi vẫn tưởng, mà giống như chuyến thăm một người bạn cũ.
Tôi nghĩ rất nhiều người tại Mỹ đều nhớ "họ đã ở đâu" vào buổi sáng định mệnh ấy. Với tôi, việc suýt bỏ mạng trong bi kịch khủng khiếp đó sẽ mãi mãi là một phần trong suốt cuộc đời mình.
David Officer, du khách Australia
Tôi và vợ, Kate, cùng hai con gái, Alex và Zoe, từ Los Angeles bay đến New York vào ngày 9/9/2001. Chúng tôi mắc kẹt tại khu Flushing, nơi Lleyton Hewitt vừa thắng giải quần vợt Mỹ mở rộng.
Ngày 10/9/2001, chúng tôi ghé qua tòa nhà Empire State và mua "siêu vé tham quan", gồm cả tour tới đài quan sát của WTC. Trời còn mù sương nên vợ chồng tôi quyết định đợi hôm khác nắng đẹp hơn để thăm WTC.
Sáng hôm sau, trời trong trẻo sau trận mưa suốt đêm, vợ chồng tôi quyết định đi ăn sáng tại một quán cà phê trên đường Broadway, để tiện đường đến thẳng WTC. Kate hơi lơ đễnh khi nhìn thấy một chiếc máy bay trên đầu, cô ấy nghĩ: "Chúa ơi, bay thấp quá".
Khi chúng tôi ở quán, hình ảnh tòa tháp WTC hiện trên màn hình ti vi với lời đề về một chiếc máy bay đã đâm phải nó. Ngay lập tức, tôi hình dung ra kẻ ngốc nào đó lơ đễnh khi làm việc. Nhưng khi nghe tin chiếc máy bay thứ hai lao vào tòa tháp còn lại, tôi nhận ra đó không phải tai nạn mà chắc hẳn là một vụ khủng bố.
Chúng tôi kết thúc bữa sáng và trở về khách sạn, nghe ngóng tin tức qua màn ảnh nhỏ cùng cả thế giới.
Sau đó, những điểm tham quan tại New York đều bị đóng cửa nên chúng tôi dành vài ngày lang thang trên đường phố Manhattan vì chẳng có nơi nào để đi.
Khung cảnh thật kỳ lạ với những chiếc phi cơ chiến đấu bay trên trời cả ngày. Chúng tôi đã mua vé máy bay tới Orlando để chơi Disney World nhưng mọi sân bay đều ngưng hoạt động một thời gian, cả nhà đành thuê xe tự lái tới đó.
Tôi vẫn thường nghĩ đến những gì đã xảy ra khi nhìn vào tổ ấm của mình, không quên rằng chúng tôi đã may mắn thế nào khi không có mặt trên đài quan sát vào ngày định mệnh ấy.
Theo ABC