Quê tôi ở Đồng Tháp, quanh năm người dân chỉ biết lấy nông nghiệp làm kế sinh nhai. Nghề nông vất vả lắm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sản phẩm làm ra trông chờ vào sức mua của thị trường, lại hay bị thương lái ép giá, thu nhập rất bấp bênh.
Tối mùng 4 Tết, thấy mấy người bạn quê gốc Đà Lạt than thở trên mạng xã hội rằng du khách đến đây quá đông và xả quá nhiều rác, tôi cảm thấy ghen tị và ước ao quê mình cũng được như vậy.
Nói như vậy có lẽ phi lý, nhưng tôi nghĩ có rác là có tiền. Không phải nơi nào cũng hội tụ đủ điều kiện "thiên thời, địa lợi" như Đà Lạt để luôn hấp dẫn khách thập phương. Du khách họ đến mua sắm, ăn uống, tiêu xài tiền, tạo một chuỗi giá trị cho khách sạn - nhà nghỉ, nhà hàng - quán ăn, đồ lưu niệm... Một lượng lớn lao động tại địa phương cũng có công ăn chuyện làm nhờ làm dịch vụ.
Việc xả rác của du khách, đã nói năm này qua năm kia, mà tình hình vẫn vậy thì thôi "trời không chịu đất thì đất chịu trời". Hãy nghĩ thoáng một chút, họ đến quê hương mình tiêu xài, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân thì họ xả tí rác không sao, không nên kêu ca làm gì. Bài toán kinh tế và môi trường bây giờ chưa thể win-win giữa người địa phương và du khách, thì ta nhún nhường họ một chút. Mỗi cửa hàng chịu khó tăng cường thùng rác, có thể giao cho nhân viên dặn khách nhớ bỏ rác vào thùng, hoặc giảm giá cho đoàn khách nào đông người biết bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ.
Nhà chức trách cũng nên tăng số lượng thùng rác, mấy lần đến Đà Lạt tôi thấy loe hoe vài cái thùng rác ở dọc bờ hồ Xuân Hương, hè phố thì làm sao đủ phục vụ hàng chục nghìn du khách? Nếu kêu gọi ai cũng mang rác về thì có lẽ các chủ nhà nghỉ, khách sạn sẽ là nạn nhân đau khổ nhất.
Quê tôi cũng cố gắng làm du lịch, nhưng tôi thấy chưa hiệu quả lắm. Có lẽ do thời tiết - "thiên thời" không ủng hộ. Tôi đi cánh đồng sen ở huyện Tháp Mười du xuân, trời nắng ngồi trong chòi giữa hoa sen mà mồ hôi túa ra nườm nượp, chả muốn hoạt động gì thêm cho mệt sức.
>> Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.