Theo Báo cáo tại giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022 hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển đại học sớm trong năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt.
Năm 2022, ngoài phương thức xét từ điểm thi tốt nghiệp, các trường đại học được chủ động thời gian khi xét tuyển theo các phương thức khác. Các trường có thể tổ chức xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ.
Trong Hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2021-2022, được tổ chức ngày 12/9, Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết gần 400.000 thí sinh được công bố đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm, nhưng chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng một. Còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
"Số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhiều mà thực tế chỉ một phần ba đăng ký nguyện vọng một. Điều này cho thấy việc yêu cầu nhập học ngay khi trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm giống như năm trước thì tỷ lệ ảo rất cao", bà Thuỷ nói.
Trong báo cáo, Bộ cũng yêu cầu các trường đại học rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển.
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo mã của 20 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức thứ 20 để tên là "Sử dụng phương thức khác", tức là số phương thức thực tế các trường đề ra để tuyển sinh có thể nhiều hơn. Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh "như bị đánh đố", gây nhầm lẫn khi đăng ký.
Ngoài một số điều chỉnh trên, Bộ cho biết quy chế tuyển sinh đại học 2023 và các năm tiếp theo cơ bản giữ ổn định như 2022, nhưng được tăng cường giải pháp về mặt kỹ thuật. Bộ cũng sẽ nâng cấp hệ thống lọc ảo chung, nhằm giảm sai sót, nhầm lẫn.
Tú Linh