Khi con trai lớp 12 đang thi cuối kỳ I, chị Trần Thị Bích Trâm (44 tuổi, TP Thủ Đức, TP HCM) bắt đầu tìm hiểu thông tin để chọn trường đại học cho con. Với học lực ở mức khá và nguyện vọng theo ngành kinh tế của con, chị Trâm nhắm đến Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM và Đại học Công nghiệp TP HCM.
Người mẹ nhận thấy, hai trường này đều đào tạo các ngành như Quản trị kinh doanh, Marketing và Kế toán nhưng phương án xét tuyển, tổ hợp môn khác nhau.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm dùng bốn tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), D10 (Toán, Địa, Tiếng Anh) để xét tuyển. Trong khi đó, Đại học Công nghiệp lại dùng bốn tổ hợp A01; C01 (Toán, Văn, Lý); D01; D96 (Toán, Tiếng Anh, Khoa học xã hội) để xét tuyển hai ngành Quản trị kinh doanh và Marketing. Riêng ngành Kế toán, trường sử dụng tổ hợp D90 (Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên) thay cho tổ hợp D96.
"Thực sự là rối. Tôi cũng chưa hiểu tại sao tổ hợp của các ngành lại khác nhau 1-2 môn, khi mà các ngành này đều có những nội dung đào tạo khá tương đồng", chị nói.
Phần tổ hợp còn chưa được vỡ vạc, người mẹ hoang mang hơn khi tìm hiểu đến phương thức tuyển sinh. Về cơ bản, hai trường này dùng bốn phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Với lực học của con, chị Trâm nhắm đến phương thức xét học bạ. Tuy nhiên, khi đọc kỹ phương án này, chị "tẩu hỏa nhập ma" bởi có quá nhiều cách tính điểm.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm tính tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn theo tổ hợp. Hiện, trường thông báo nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức này từ nay đến 1/5. Ngoài ra, trường còn xét tổng điểm ba môn theo tổ hợp nhưng chỉ tính riêng điểm trung bình lớp 12, dự kiến nhận hồ sơ sau ngày 1/5. Trong khi đó, Đại học Công nghiệp chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học tập lớp 12 của ba môn tổ hợp. Mức sàn nhận hồ sơ của tổng điểm ba môn này là từ 21.
"Tôi cũng hiểu là càng nhiều lựa chọn thì học sinh càng có nhiều cơ hội nộp hồ sơ để trúng tuyển hơn. Nhưng rõ ràng cùng một phương thức tuyển sinh mà đủ tổ hợp, rồi công thức tính điểm như vậy, phụ huynh càng thêm rối khi lựa chọn", chị Trâm cho biết.
Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 13 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng trong năm 2022. Trong đó, các trường thường áp dụng đồng thời 5-7 phương thức, kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển. Nhưng ngay cả khi cùng sử dụng một phương thức, các trường thuộc khối ngành kỹ thuật cũng yêu cầu tổ hợp môn khác với khối kinh tế.
Về mặt tích cực, việc này đa dạng hóa lựa chọn trong tuyển sinh đại học, giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh như chị Trâm cảm thấy lúng túng khi tiếp cận với hàng loạt phương án phức tạp.
Anh Lê Quốc Hùng, quận Phú Nhuận, TP HCM, cũng đang tìm hiểu trường đại học cho con gái lớp 12. Khi xem thông tin tuyển sinh của Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), người cha băn khoăn không biết nên chọn phương thức nào.
Trường sử dụng 6 cách tuyển sinh. Mỗi phương thức có tỷ lệ chỉ tiêu khác nhau, chênh lệch khá lớn. Chẳng hạn, xét quả thi tốt nghiệp THPT 50-80% chỉ tiêu, đánh giá năng lực 10-30%. "Nếu trường tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đến 80% thì tôi có thể tự tin cho cháu tập trung vào mỗi kỳ thi này, nhưng chẳng may trường chỉ xét 50% thì khả năng trúng lại chông chênh", anh nói.
Do đó, anh "lên chiến lược" cho con tập trung vào ba mũi: thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức và xét học bạ. "Xem ra, với cách tuyển sinh thế này, các cháu cũng chưa chắc giảm tải được bao nhiêu", người cha nói.
Ở Hà Nội, chị Lan Anh, 43 tuổi, sống tại quận Long Biên, cũng thấy mình như lạc lối trước các phương thức tuyển sinh. Trong buổi "họp gia đình" tuần trước, người mẹ bất ngờ khi nghe con trai nói muốn thi trường Kinh tế. Chị và chồng - đang công tác trong quân đội - muốn con chọn ngành giống bố. Do đó, từ năm ngoái, chị chỉ tìm hiểu về các điều kiện sơ tuyển, xét tuyển và điểm chuẩn của các trường khối quân đội. Đến khi con trai bày tỏ mong muốn thi kinh tế, chị thấy mình bỗng dưng trở về vạch xuất phát, mò mẫm lại từ đầu.
Người mẹ nhận thấy hai đại học là Ngoại thương và Kinh tế Quốc dân đã công bố thông tin bước đầu cho đợt tuyển sinh năm nay. Dành cả tối nghiền ngẫm, chị Lan Anh "mờ mắt mà chưa có gì rõ ràng".
Với Đại học Ngoại thương, trường áp dụng 6 phương thức, mỗi loại lại chia nhỏ với các tiêu chí khác nhau. Đại học Kinh tế Quốc dân tuy chỉ tuyển theo 3 phương thức, đề án riêng của trường lại chia thí sinh thành 7 nhóm, mỗi nhóm có cách quy đổi điểm riêng. Chưa kể, trường Kinh tế Quốc dân chấp nhận 9 tổ hợp xét tuyển khiến người mẹ ngoài 40 tuổi "dò từng chữ".
"Dù các trường đều nhấn mạnh phương thức tuyển sinh giữ ổn định nhưng mọi thứ với tôi đều mới tinh, đọc rất mất thời gian. Chưa kể, thời của tôi chỉ có một khối thi như A, B, C, D nên tôi cũng bối rối với nhiều ký hiệu tổ hợp mới", chị Lan Anh nói, đồng thời thừa nhận nếu trao đổi với con và tìm hiểu sớm hơn, có lẽ chị không chật vật như hiện tại.
Từ 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng "3 chung" bằng thi THPT quốc gia, vừa để xét tốt nghiệp, vừa dùng làm căn cứ xét tuyển đại học. Cùng thời gian này, Bộ bắt đầu cho phép các trường đại học thí điểm tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh.
Đến năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được thay bằng tốt nghiệp THPT, mục tiêu tuyển sinh đại học chỉ là thứ yếu. Đề thi được thiết kế để phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp nên các trường đại học gặp khó khăn trong việc tuyển chọn thí sinh ở những ngành top đầu. Đầu tháng 10/2012, khi công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2022, Bộ khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn.
Do đó, đa dạng hóa phương thức và các tiêu chí trong tuyển sinh là cách làm của phần lớn các đại học, nhất là những trường top đầu, nhằm tuyển chọn được nguồn sinh viên chất lượng.
Sau khi kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2021 kết thúc, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho biết thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng phương án để trao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn, cho phép đại học phối hợp tổ chức các kỳ tuyển sinh riêng bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc này nhằm hỗ trợ các trường đánh giá chính xác năng lực của thí sinh, tuyển đúng người đồng thời có thể giúp giảm bớt số lượng phương thức xét tuyển.
Thanh Hằng - Mạnh Tùng