Dù sống độc thân và cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách tự lo mọi thứ, tôi vẫn mất 2-3 năm mới đủ khả năng chi trả, do chi phí sinh hoạt ở nước ngoài đắt đỏ.
Nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Chẳng hạn, một người bạn được mẹ bán nhà, đầu tư 8 tỷ đồng sang Mỹ học ngành Quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, bạn về nước, đi làm, nhận lương 15 triệu đồng/tháng - mức lương mà mẹ bạn phàn nàn "còn chẳng bằng tiền cho thuê, nếu giữ lại cái nhà; không biết bao giờ mới bù đắp được chi phí bỏ ra".
Nếu chỉ lạnh lùng xét về khía cạnh đầu tư, với không ít người, đầu tư cho du học không mang lại kết quả như kỳ vọng.
Tất nhiên, du học không phải là khoản đầu tư mà lợi nhuận chỉ tính bằng tiền bạc. Du học mang lại nhiều lợi ích rõ ràng khác như cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, phát triển tư duy hiện đại, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, sự tự lập. Nhưng ngày càng phổ biến tình trạng nhiều du học sinh gặp khó khăn do mất kết nối với mạng lưới quan hệ trong nước, đối mặt với cú sốc văn hóa ngược khi trở về, thậm chí khó tìm việc giữa bối cảnh kinh tế suy thoái, nhà tuyển dụng ngày càng đề cao kinh nghiệm thực tế.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chú trọng bằng cấp hay ngoại ngữ mà còn quan tâm tới kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ làm việc. Bằng cấp quốc tế chỉ thực sự là lợi thế nếu thuộc các lĩnh vực đặc thù hoặc từ những trường đại học danh tiếng toàn cầu. Ngược lại, nếu bằng cấp đến từ các trường không nổi bật hoặc thuộc ngành cần nhiều kinh nghiệm như quản trị kinh doanh, ưu thế này giảm đi rõ rệt, thậm chí không tạo ra khác biệt lớn so với ứng viên trong nước. Trong nhiều trường hợp, ứng viên sở hữu kỹ năng mềm tốt, tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi với môi trường lại có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động.
Dù ngành công nghệ thông tin (IT) từng được xem là lựa chọn "vàng" từ năm 2023, ngành này đối mặt với tình trạng sa thải hàng loạt và suy thoái nghiêm trọng. Ngay tại trung tâm công nghệ lớn như Silicon Valley, các sinh viên mới tốt nghiệp cũng gặp khó khăn, khi các công ty ưu tiên nhân sự có kinh nghiệm hoặc cắt giảm tuyển dụng để giảm chi phí.
Thực tế này dẫn tới việc, du học trở thành khoản đầu tư rất khó, hoặc mất thời gian quá dài để hoàn vốn, đặc biệt là với những người chọn trở về.
Định cư sau du học cũng ngày càng khó khăn do các chính sách thắt chặt visa tại Mỹ, Australia và Canada. Tại Mỹ, visa lao động H-1B trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn kể từ năm 2020, ưu tiên ứng viên có bằng cấp cao từ các ngành STEM và hạn chế đáng kể cơ hội cho các ngành khác. Ngoài ra, thời gian gia hạn OPT (Optional Practical Training) cho sinh viên quốc tế cũng được giám sát chặt chẽ, khiến nhiều người không đủ thời gian tìm việc phù hợp. Tại Australia, các yêu cầu về tay nghề trong danh sách định cư đã được siết lại, chỉ ưu tiên những ngành nghề đặc thù đang thiếu nhân lực. Những thay đổi này phản ánh xu hướng các quốc gia ưu tiên lao động chất lượng cao và giảm sự phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư giá rẻ.
Trong khi đó, Trung Quốc và Đài Loan đang nổi lên với các chương trình học phí rẻ, học bổng hấp dẫn cùng thứ hạng giáo dục ngày càng cao. Xu hướng du học tại các quốc gia châu Á này đang dần trở thành giải pháp thay thế, đặc biệt đối với các gia đình muốn tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục. Các quốc gia châu Âu như Đức, nơi miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên quốc tế tại nhiều trường công lập, hay Italy và Bỉ, nơi học phí và sinh hoạt phí thuộc mức thấp nhất châu Âu, cũng trở thành lựa chọn hợp lý.
Ví dụ, tại Đức, sinh viên chỉ cần đóng một khoản phí hành chính từ 100 đến 350 euro mỗi kỳ, và sinh hoạt phí trung bình khoảng 850 euro/tháng. Tương tự, tại Bỉ, học phí dao động 800-4.000 euro/năm và chi phí sinh hoạt trung bình khoảng 900 euro/tháng, trong khi Italy cung cấp học phí 1.000-2.500 euro/năm và sinh hoạt phí khoảng 700-1.000 euro/tháng. Những lựa chọn này giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính so với các quốc gia nói tiếng Anh truyền thống như Mỹ, Australia hay Anh.
Xu hướng du học ngắn hạn đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt đối với những người lao động trong độ tuổi 30, những người muốn thay đổi môi trường, trải nghiệm mới và nâng cao chuyên môn. Khóa học ngắn hạn tại các trường danh tiếng, với chi phí hợp lý và thời gian học cô đọng, mang lại cơ hội học hỏi kiến thức chuyên sâu trong thời gian ngắn, mà không cần dành quá nhiều thời gian và chi phí như chương trình dài hạn. Những khóa này thường tập trung vào kỹ năng thực tế và xu hướng mới trong ngành, giúp học viên nhanh chóng áp dụng vào công việc hiện tại hoặc mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Các chương trình ngắn hạn tại những trường đại học hàng đầu thế giới như Oxford, Harvard, Stanford, UCLA, hay các đại học ở châu Á tại Singapore, Hàn Quốc, cung cấp các khóa học chuyên sâu về quản lý, công nghệ, tài chính hay phát triển cá nhân, với mức phí chỉ từ 1.000-3.000 USD một khóa.
Thay vì đối mặt với những rủi ro tài chính lớn khi du học ngay từ bậc cử nhân, nhiều gia đình có thể cân nhắc tập trung học trong nước và dành đầu tư cho các chương trình thạc sĩ hoặc khóa du học ngắn hạn ở nước ngoài. Việc này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn cho phép sinh viên có thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế, từ đó đưa ra quyết định du học đúng đắn hơn.
Trải nghiệm sống và học tập tại một đất nước khác luôn là điều quý giá. Đây không chỉ là cơ hội để học hỏi kiến thức chuyên môn mà còn giúp mở rộng tầm nhìn, trải nghiệm văn hóa đa dạng và phát triển kỹ năng sống. Chuyến du học cũng là bước ngoặt giúp cá nhân trưởng thành hơn, biết tự ứng phó với những điều khó khăn khôn lường, tôi luyện sự kiên nhẫn và ý chí trong cuộc sống.
Học là hành trình suốt đời, không chỉ giới hạn trong những năm tháng học ở trường. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục luôn là một lựa chọn thông minh và bền vững. Nhưng lựa chọn và đầu tư cho du học là bài toán cần sự cân nhắc kỹ lưỡng. Các yếu tố như chi phí, mục tiêu nghề nghiệp, và nhu cầu thực tế của bản thân nên được xem xét cẩn thận vì quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai học vấn mà còn đến sự phát triển lâu dài của mỗi người.
Trình Phương Quân