Cậu nhận "théc-be" (phân loại, bốc xếp hàng hóa đặt qua mạng) cho một "đầu nậu" người Hàn Quốc thiếu nhân công chính quy. Thái tranh thủ thời gian hết mức có thể để kiếm chút ít trang trải học phí, sinh hoạt phí; dư thì gửi về quê trả khoản nợ gia đình đã mượn trước khi cậu sang Hàn Quốc du học.
Du học sinh "al-ba" (làm bán thời gian) như Trần Văn Thái ở các tỉnh vùng ven thủ đô Seoul là không ít. Chấp nhận làm "chui", vượt quá quy định 20 tiếng một tuần đối với du học sinh là để có thể tự lo chuyện học tập và tồn tại được ở Hàn Quốc. Đây cũng là sự biến tướng của loại hình du học dưới dạng vừa học vừa làm. Nhiều trường đại học tại Hàn Quốc cũng "làm lơ" trong việc điểm danh, cho du học sinh được đi làm thêm kiểu này vì nhiều lẽ.
Hàn Quốc đang trong bối cảnh dân số già hóa, thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng ở cả lĩnh vực chế tạo, sản xuất và nông nghiệp. Hơn hết, tỷ suất sinh giảm sâu, các trường học Hàn Quốc bị bỏ không, đóng cửa hoặc phải chuyển dịch về vùng có dân cư trẻ. Trong khi đó, giáo dục Hàn Quốc sau nội chiến đã có những bước phát triển vượt bậc, họ có quy trình đào tạo và chương trình chỉn chu, theo kịp xu hướng thời đại. Bằng nguồn tài nguyên dồi dào này, họ sẵn sàng tìm phương án để "bán" các chương trình đào tạo. Hàn Quốc nắm bắt nhanh nhu cầu của người Việt thông qua các cuộc khảo sát toàn diện của họ về đối tác chiến lược Việt Nam vào mỗi năm.
Một thực tế khác ở Việt Nam là gần đây tôi nhận dạy khá nhiều lớp tiếng Hàn sơ cấp cho đối tượng vừa tốt nghiệp THPT vùng ĐBSCL, không chọn đi tiếp lên hệ cao đẳng hay đại học ở Việt Nam mà du học Hàn Quốc. Bởi vì khác trước, cơ hội du học Hàn Quốc ngày càng dễ dàng, chi phí "dễ thở". Nhiều người trong số họ có người thân ở Hàn Quốc, gia đình cô dâu Việt.
Muốn vun vén cho gia đình, khao khát người thân thoát nghèo nên sau thời gian chịu khó chăm chỉ, các cô dâu của gia đình văn hóa Việt - Hàn muốn chăm lo cho em cháu ở Việt Nam có tương lai tốt đẹp, sinh kế bền vững hơn khi sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, phần lớn đi không phải để học.
Họ muốn sang Hàn Quốc tìm việc lương cao. Vì nếu chọn chương trình EPS visa E9 để đi thì thi cử (kiến thức và tay nghề), nộp hồ sơ, học tập định hướng mất rất nhiều thời gian. Lao động nông nghiệp thời vụ visa E8 dễ đi, thời gian chuẩn bị chỉ từ sáu tháng đến một năm, nhưng chỉ tuyển độ tuổi từ 30 trở lên. Du học nghề ra đời để giải quyết bài toán khó này của khách hàng.
Du học vừa học vừa làm là cơ hội để người học nâng cao tay nghề thực tiễn. Khác với chương trình đại học cung cấp tri thức nền tảng, thực tập hưởng lương hoặc các khóa đào tạo nghề mới chính là nơi cung cấp cho người học những kiến thức thực tế về thực hành để có thể áp dụng vào công việc. Đó là mục đích và ý nghĩa của chương trình. Nhưng những biến tướng này nếu không được kiểm soát tốt sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác. Nghề, học cũng không xong và lao động, để kiếm tiền cũng không được.
Nhận thức rõ điều này, mới đây bạn tôi - bố của Thái - buộc phải đem con trở về. Cậu con trai đã dành quá nhiều thời gian để làm thêm và không học được gì sau hai năm. Anh lo lắng sau khi trở về Việt Nam với chất lượng tấm bằng không tương xứng, con trai anh khó có thể tìm được công việc tốt.
Nhu cầu được học tập, lao động vì một tương lai tốt đẹp của giới trẻ Việt Nam ở một quốc gia khác là điều chính đáng. Mỗi người có những cách khác nhau để tìm đến vùng đất hứa. Song, về mặt quản lý, cần có những chính sách thích đáng, hợp lý để người lao động không lạc mất mục tiêu. Muốn như thế cần rạch ròi giữa chương trình xuất khẩu lao động và du học, du học nghề để tránh những biến tướng đã thấy; trong đó, trước hết nên giải quyết các tồn tại của hình thức xuất khẩu lao động visa dạng E9, cải thiện khâu thi cử, quy trình xét tuyển. Là nhà cung cấp nguồn lực được đối tác đánh giá cao trong vài thập niên qua, chúng ta có thể đưa ra những yêu cầu "có lợi" với phía đối tác cho lao động của mình. Có như thế, lao động sang Hàn mới không lạc hướng và du học nghề trở về đúng nghĩa của nó.
Ở khía cạnh khác, du học sinh đến Hàn Quốc hoàn toàn có thể tự tin rằng chúng ta là những lao động thời vụ nhanh nhẹn, giỏi việc, chăm làm. Đối tác sẽ không dễ dàng bỏ qua nhu cầu này và sẵn sàng có chiến lược để hấp dẫn.
Thay vì du học để làm thêm, dễ gặp nhiều rủi ro không được pháp luật bảo vệ, lựa chọn đúng chương trình phù hợp với năng lực của mình mới là cơ hội để tạo dựng sinh kế bền vững.
Nguyễn Nam Cường