Mâm cơm nhà Minh, bạn thân hồi tôi 9 tuổi, luôn nhiều màu sắc. Tý rau muống luộc xanh, đậu phộng rang đỏ, thỉnh thoảng có được tý thịt kho. Do Minh là con một nên tôi với nó thường ăn hết phần thịt kho, ba má nó chỉ ăn nước thịt. Hôm thì cơm nhà nó độn khoai mì khô, hôm thì có bắp ăn cùng với gạo, có hôm còn có hạt bo bo.
Minh là thằng nhóc hiền khô và tốt bụng. Hai đứa có cái gì cũng chia nhau, ngày nào cũng chạy qua nhà nhau ăn ngủ. Nhà nó là nhà cán bộ. Ba mẹ nó cũng hiền khô tuy hơi khắc khổ. Mỗi lần thấy tôi qua chơi đều luôn tươi cười, có cái gì cũng lấy ra chia cho tụi tôi.
Ăn cơm bên nhà bạn miết, tôi hay về nhà cằn nhằn với mẹ sao cơm nhà kia ngon mà nhà mình thì dở. Mẹ chỉ mỉm cười, bảo "lớn lên con sẽ hiểu". Sau đó, mỗi khi Minh qua chơi, mẹ tôi thường giữ cậu ở lại ăn cơm. Mẹ cũng dặn tôi ít qua nhà bạn ăn chực thôi, vì sợ tôi ăn hết thức ăn của người ta.
Mãi tới khi lớn lên, tôi mới biết mình may mắn không phải ăn độn trong giai đoạn khó khăn nhất sau ngày miền Nam thống nhất. Thuở đấy, gạo không đủ cho mọi người. Nước ta phải thường xuyên nhận viện trợ từ các nước khối Xã hội chủ nghĩa. Chuyện thiếu gạo, đói ăn hay ăn độn là vô cùng bình thường với tất cả mọi người.
Thế nhưng sau vài thập niên mở cửa, Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu gạo có lúc đứng đầu thế giới. Tôi luôn thích thú nhấn nhá chữ "cường quốc" trong xuất khẩu gạo khi đi làm việc với cảm giác tự hào về những nông dân Việt Nam giỏi giang. Chỉ một thời gian ngắn, thông qua lao động cần mẫn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, Việt Nam từ quốc gia thiếu đói trở thành quốc gia góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.
Nhưng sản lượng gạo Việt Nam hiện khoảng 42,84 triệu tấn một năm, theo Tổng cục Thống kê, tương đương với 26,78 tấn gạo đã xay xát. Trong đó, chúng ta xuất khẩu trung bình khoảng 5,8 đến 6 triệu tấn hàng năm, chiếm khoảng 9% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 285 kg gạo mỗi năm, theo tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường toàn cầu Index Box, tức nhu cầu tiêu thụ hàng năm của chúng ta chiếm khoảng 27,42 triệu tấn cho 96,2 triệu dân.
Con số này cho thấy chúng ta có thể chỉ đang đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước. Song song đó, Việt Nam cũng nhập khẩu không ít gạo từ nước ngoài, phần lớn thông qua đường tiểu ngạch từ Thái Lan, Campuchia và cả Nhật bản. Sẽ không khó nếu bạn dạo quanh siêu thị, thấy những bao gạo Thái, Nhật được đóng gói rất chuyên nghiệp.
Giá gạo Việt Nam còn bị thấp khi xuất khẩu vì nhiều lý do, trong đó lý do chính vẫn luôn là chất lượng. Giá gạo bình quân của Việt Nam khi xuất khẩu là 425 USD mỗi tấn trong khi giá gạo được cấp chứng nhận dao động khoảng 600 đến 1.120 USD mỗi tấn. Trong khi tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông phẩm ra thế giới, tôi chứng kiến nhiều công ty tiếp cận chứng chỉ "Thương mại công bằng" - một tấm vé giúp gạo đi ra thế giới - để hỏi việc cấp chứng nhận này cho gạo Việt Nam, cuối cùng đều không thể được vì cách tổ chức sản xuất, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thậm chí không thể tìm được khách hàng mua gạo có chứng nhận của Việt Nam.
Câu chuyện cường quốc gạo và nỗi đau thương hiệu luôn ám ảnh những người làm nông nghiệp, trong đó có tôi. Thế nhưng, để tổ chức sản xuất bền vững như các ngành hàng cà phê, chè..., để được cấp chứng nhận bền vững nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo thì chúng ta vẫn chưa tìm ra lối.
Chính phủ đang trình lên Quốc hội đề xuất giảm dần diện tích đất sản xuất lúa quốc gia khoảng 0,5 triệu hecta. Đây là một thách thức cần cân nhắc trong việc đảm bảo lợi ích kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực cũng như đảm bảo mục tiêu không còn người bị đói như chỉ tiêu số 2 trong "Mục tiêu phát triển bền vững" của Liên hiệp quốc (SDGs) đến năm 2030.
Trong đó, cần tính đến tác động của việc Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Đừng quên kịch bản nếu mực nước biển dâng cao lên thêm một mét thì vùng đồng bằng sông Cửu long có thể mất đến 40% diện tích sản xuất lúa. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến việc đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. Dĩ nhiên là chúng ta vẫn còn những cây lương thực khác như ngô, khoai. Thế nhưng tôi bây giờ không giống như cậu bé ngày xưa tí nào, không còn thích độn thêm sắn, ngô vào chén cơm trên tay. Tôi tin phần lớn người Việt cũng vậy.
Để phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, ngoài ý tưởng giảm diện tích trồng lúa và đầu tư một số giống thành sản phẩm lúa gạo dược phẩm như Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường vừa trình bày trước Quốc hội, hay chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn cây lúa, nhà nước cần nghiên cứu cả các phương án tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, nâng chất lượng hạt lúa lên thay vì chạy theo số lượng, nghiên cứu các giống lúa chịu mặn hay sống trong điều kiện ngập nước.
Chỉ điều này mới đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia; đồng thời đảm bảo dẫu kịch bản nào của biến đổi khí hậu xảy ra, người Việt vẫn sẽ luôn có bát cơm trắng như ngàn đời cha ông ta ao ước.
Trần Ban Hùng