Theo quyết định ngày 26/10, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cân đối trong phạm vi tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao, bố trí đủ số vốn nêu trên.
Với quyết định trên, vướng mắc lớn nhất của dự án hồ Bản Mồng - công trình đại thủy nông lớn nhất Nghệ An, cấp nước tưới cho gần 19.000 ha và phát điện với công suất 45MW - sẽ được tháo gỡ.
Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sắp tới các bộ, ngành liên quan sẽ cân đối vốn để dự án hoàn thành đảm bảo tiến độ. Công trình đầu mối cơ bản đã hoàn thành, thời gian tới tập trung giải phóng mặt bằng lòng hồ.
Hồ Bản Mồng được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc xã Yên Hợp, Quỳ Hợp. Lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa), sức chứa 225 triệu m3 nước.
Công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Theo kế hoạch phân bổ vốn, giai đoạn 2010-2020 là hơn 3.490 tỷ đồng, 2021-2025 hơn 2.050 tỷ đồng, song mới bố trí được 1.820 tỷ đồng, còn thiếu hơn 230 tỷ đồng.
Do thiếu vốn, dự án khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng phải tạm dừng. Việc thi công kéo dài, trong khi các chế độ, chính sách, định mức, đơn giá, cũng như khối lượng phải đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng vì thế chưa thể thực hiện. Việc này khiến người dân chưa thể ổn định cuộc sống, các công trình giao thông, trường học, trạm xá... không được đầu tư.
Hồi tháng 7/2022, cùng đoàn công tác khảo sát hồ Bản Mồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói một trong những nguyên nhân dẫn tới dự án kéo dài, không đúng tiến độ, gây lãng phí là việc phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, manh mún, không trọng tâm. Thực tiễn lại đặt ra bài toán khoảng trống về pháp lý liên quan tới Luật Đầu tư công, nên ông giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét phương án xử lý.