Hai trường hợp về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA) giữa đơn vị phát điện tái tạo (điện gió, mặt trời công suất từ 10 MW trở lên) và khách hàng sử dụng điện cho sản xuất (từ cấp điện áp 22 kV) vừa được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng. Cụ thể, doanh nghiệp có thể mua điện thông qua đường dây riêng (do tư nhân đầu tư) hoặc mua qua hệ thống lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát và khách hàng.
Trường hợp mua qua đường dây kết nối trực tiếp, đơn vị phát điện và khách hàng sẽ không bị giới hạn về các điều kiện công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối. Theo mô hình này, bên bán và mua sẽ ký với nhau hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch (hợp đồng tài chính phái sinh), giá và sản lượng do hai bên thỏa thuận, thống nhất. Hai bên sẽ thanh toán cho nhau phần chênh lệch giữa giá cố định đã thỏa thuận và giá tham chiếu (giá trên thị trường điện giao ngay) cho sản lượng đã ký. Lúc này, các bên phải tuân thủ các quy định về đầu tư đường dây, giá bán điện theo Luật Điện lực, Luật Giá và các quy định liên quan.
Giá mua điện được tính bằng giá bán lẻ theo quyết định của Chính phủ. Khi Luật Giá có hiệu lực, dự kiến tháng 7/2024, giá điện sẽ phản ánh đúng và đầy đủ các khoản chi phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ.
Trường hợp mua trực tiếp nhưng qua hệ thống lưới quốc gia, người bán và mua vẫn phải ký hợp đồng tài chính phái sinh và thông qua đơn vị bán lẻ điện (thuộc EVN). Tức là, đơn vị phát điện tham gia thị trường điện, kết nối với lưới quốc gia, chào bán sản lượng điện trên thị trường bán buôn cạnh tranh. Khách hàng sẽ mua và thanh toán tiền điện cho đơn vị bán lẻ theo giá thị trường bán buôn cộng với các loại giá dịch vụ (giá truyền tải, giá phân phối, giá điều độ vận hành hệ thống và dịch vụ phụ trợ).
Tuy nhiên, để thực hiện theo mô hình này, Bộ Công Thương cho biết sẽ phải sửa loạt quy định về hợp đồng mua bán điện mẫu (giữa đơn vị phát điện và khách hàng; đơn vị phát điện với EVN, A0), cách tính giá phân phối, điều độ, điều hành giao dịch thị trường. Việc bổ sung các quy định này, theo Bộ Công Thương, rất quan trọng để đảm bảo giá bán lẻ cho từng khách hàng phản ánh đúng, đủ các chi phí, tránh thất thoát tài sản Nhà nước và công bằng giữa các doanh nghiệp FDI và trong nước.
Trong lúc hoàn thiện các quy định, Bộ Công Thương đề xuất sẽ áp dụng cơ chế DPPA theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn chưa có hiệu lực, cơ chế DPPA sẽ được thực hiện trực tiếp giữa các bên qua đường dây truyền tải do tư nhân đầu tư. Sau đó, khi các văn bản pháp ký hoàn thiện, sẽ chuyển sang mua bán qua đơn vị bán lẻ của EVN.
Do tính cấp thiết, Bộ này kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo, theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ thúc đẩy các đơn vị triển khai cơ chế DPPA trên cơ sở mua bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu.
Mua bán điện trực tiếp từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng cơ chế này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng Việt Nam.
Dự thảo thí điểm DDPA từng được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến cách đây hai năm, với công suất thí điểm ban đầu 1.000 MW. Thời điểm đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế này.