Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đã giao cho Ủy ban Công tác đổi mới ứng dụng công nghệ (ITAIWC) chịu trách nhiệm tư vấn cho chính phủ. Cơ quan này được thành lập năm 2016 với mục tiêu giúp thiết lập các tiêu chuẩn ngành và đào tạo nhân sự vận hành phần mềm chất lượng cao.
Đầu tiên, ITAIWC sẽ đề ra và thực hiện kế hoạch "Đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin", còn gọi là Xinchuang. Nó có nhiệm vụ lựa chọn và kiểm tra thường xuyên các nhà cung cấp công nghệ trong nước trong các lĩnh vực "nhạy cảm" như ngân hàng, điện toán đám mây, trung tâm lưu trữ dữ liệu của chính phủ - một thị trường được đánh giá có thể đạt 125 tỷ USD năm 2025.
Đến nay, đã có 1.800 nhà cung cấp máy tính, chip, mạng và phần mềm được ITAIWC mời tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng chứng nhận cho hàng trăm công ty trong nước, với tốc độ được đánh giá là "nhanh nhất trong nhiều năm".
Theo các chuyên gia, sự tồn tại của ITAIWC và Xinchuang là điều bất ngờ, vì đây là nơi tập hợp nhiều công ty hàng đầu Trung Quốc nhưng chưa từng được nhắc đến trước đây. Kế hoạch được đánh giá là đòn bẩy giúp Bắc Kinh đẩy nhanh việc thay thế các công ty công nghệ nước ngoài bằng doanh nghiệp địa phương, từ đó sớm đạt mục tiêu tự chủ công nghệ và vượt qua các lệnh cấm từ nước ngoài trong tương lai, nhất là ở mảng chip và mạng viễn thông.
"Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy công nghệ. Nỗ lực này ngày càng trở nên quan trọng, khi nhiều công ty xác định đây là mục tiêu chính trị, vì không có ai chắc chắn họ sẽ tránh được việc bị kiểm soát nếu dùng công nghệ Mỹ thời gian tới", Dan Wang, nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics, nhận xét.
Việc đẩy mạnh thay thế các nhà cung cấp nước ngoài là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm kiểm soát ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm cả vấn đề bảo mật dữ liệu. Thời gian qua, Bắc Kinh đã buộc các nhà cung cấp dịch vụ đám mây nước ngoài như Amazon Web Services hay Microsoft phải thành lập liên doanh để có thể hoạt động tại đây. Apple cũng đã nhượng lại mảng kinh doanh lưu trữ dữ liệu người dùng của mình cho một nhà điều hành được chính phủ hậu thuẫn ở Quý Châu. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc hiện tăng cường giám sát dữ liệu công nghiệp và viễn thông, đồng thời đề xuất các quy định mới yêu cầu dữ liệu quan trọng phải được lưu trữ trong nước.
Hiện thông tin về ITAIWC và Xinchuang chưa được tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, nguồn tin nhấn mạnh bất kỳ doanh nghiệp nào có trên 25% vốn nước ngoài sẽ bị loại khỏi danh sách. Những công ty khởi nghiệp công nghệ được tài trợ bởi nhà đầu tư nước ngoài như Alibaba hay Tencent gặp rào cản lớn, dù cả hai đang nỗ lực để đăng ký thành viên.
"Các chính sách kìm hãm của Mỹ là chất xúc tác mạnh mẽ, trực tiếp thúc đẩy Trung Quốc xây dựng kế hoạch Xinchuang", đại diện công ty nghiên cứu iResearch nói. "Xinchuang nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc phải đầu tư nhiều hơn vào đổi mới, buộc những công nghệ quan trọng phải được tạo ra tại Trung Quốc".
Bảo Lâm (theo Bloomberg)