Ngày mồng ba Tết, như thường lệ mỗi năm, nhà tôi lại bắt đầu làm lễ hóa vàng. Từ xưa đến giờ, bên cạnh việc mời ông bà tổ tiên về ăn Tết vào ngày tất niên, hóa vàng như một ngày để tiễn đưa.
Năm nay, mẹ đã làm một việc mà ít khi nào tôi cảm thấy cần thiết và đúng đắn như vậy - không đốt vàng mã.
Các cụ có câu, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Việc tín ngưỡng thờ cúng không chỉ thể hiện bạn tin vào tâm linh, tin vào một thế giới song song với thế giới mà chúng ta đang sống, mà đó còn là một nền văn hóa, một cách thể hiện sự tri ân đến những thế hệ đi trước, đến tổ tiên nguồn cội. Và "hóa vàng" là một trong những cách thể hiện điều đó.
>> Nguy hiểm từ sự cuồng tín lễ hội
Tuy nhiên, "hóa vàng" đối với tôi là câu chuyện trong tâm tưởng mỗi người, nó không thể hiện ở việc bạn đốt cho người đã khuất cả một cái nhà, một đống vàng giấy, ấy là bạn nhớ nhung khôn xiết đến họ. Càng không có chuyện bạn càng bỏ ra nhiều tiền mua lễ vật, mua đồ mã thật to, thật xịn là bạn có thể mưu cầu tư lợi cá nhân.
Đức tin đối với một con người rất quan trọng, tôi nghĩ mỗi người đều cần một điểm tựa để có động lực trong cuộc sống. Nên tin vào tâm linh, tin vào một tín ngưỡng nào đó không phải là mê tín dị đoan hay một điều xấu xa cần bài trừ. Nhưng cách chúng ta thể hiện đức tin, lại là việc cần phải bàn.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ hàng trăm năm trước, tục đốt vàng mã đã xuất hiện ở Trung Quốc, sau đó được truyền bá đến xung quanh. Nếu từng biết đến Truyện Kiều, hẳn bạn cũng từng xem qua tứ thơ của đại thi hào Nguyễn Du về ngày Thanh Minh: "Ngổn ngang gò đống kéo lên / Than vàng vó rắc, tro tiền giấy bay / Tà tà bóng ngả về tây / Chị em thơ thẩn dang tay ra về...".
Hẳn vậy, từ hơn hai trăm năm trước, thi hào Nguyễn Du đã vẽ nên một khung cảnh ngổn ngang, hỗn loạn của tiền giấy, của tro tàn. Đọng lại trong đó chỉ là sự tốn kém, bụi bặm và hơn hết là vô ích.
Đốt vàng mã chỉ đúng với quan niệm "trần sao âm vậy" từ ngàn đời nay. Nhưng ngay cả trong tư tưởng Phật giáo, vàng mã cũng chưa từng được coi là cách cầu may cầu lộc. Họa chăng chúng ta đang hiểu sai về tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng truyền thống để trục lợi và bẻ cong câu chuyện tâm linh?
>> Lễ hội 'đổ máu', giới trẻ bạo lực
Thay vì tốn hàng triệu đồng để mua về sự ô nhiễm, tốn kém, và thậm chí là nguy cơ hỏa hoạn, với tôi, ông bà tổ tiên hẳn mong con cháu bình an, sum vầy hơn là những vinh quang phú quý chốn âm ty, càng không mong hàng ngày hậu bối của mình u mê trong những hủ tục chứ không phải thuần phong mỹ tục.
Theo tôi, không dễ để thuyết phục những thói quen đã đi vào đời sống cả ngàn năm, bỏ đi một hủ tục là câu chuyện không phải của riêng mỗi người. Hóa vàng thực chất là một cái cớ cho sự sum vầy đầm ấm, là một cách để chúng ta gợi nhắc đến những người đi khuất, để trong tâm chúng ta không có điều gì áy náy với những người thân của mình.
Có thể giảm bớt và tiến tới dần đến việc không đốt giấy vàng nữa, tôi tin điều gì đến từ trái tim sẽ mang lại an yên ấm áp, và đó càng không phải câu chuyện lễ nghĩa hình thức.
Duc Anh Nguyen
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.