Một bệnh nhân có bệnh lý nền như đột quỵ não, tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý mạn tính khác đều có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng do Covid-19. Người bị đột quỵ vẫn nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
Theo các nghiên cứu gần đây, đối với bệnh nhân có các bệnh lý đột quỵ và bệnh lý tim mạch, nguy cơ phát triển các biến chứng do nCoV cao hơn. Do đó, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo hồi tháng 1, tất cả những người sống sót sau cơn đau tim và đột quỵ nên tiêm vaccine để giữ cho bản thân, gia đình, cộng đồng khỏe mạnh và an toàn.
Trong 16 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng phòng Covid-19 của Bộ Y tế, đột quỵ được xếp vào nhóm thứ 9. Như vậy, những người sống sót sau đột quỵ - bất kể loại đột quỵ não nào bao gồm cả chảy máu dưới nhện đều thuộc nhóm 9 trong danh sách ưu tiên, và họ nên được chủng ngừa càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, cần cân nhắc tiêm đối với nhóm bệnh nhân đột quỵ mất tri giác, mất khả năng hồi phục, thang điểm đánh giá hồi phục chức năng thần kinh mRS (điểm Rankin sửa đổi) từ 4 điểm trở lên.
Theo khuyến cáo Hiệp hội Huyết học Anh, đối với bệnh nhân đột quỵ não đang điều trị thuốc chống đông warfarin, có thể tiêm bắp khi kiểm soát được INR dưới 3.0. Các thuốc chống đông đường uống thế hệ mới (rivaroxaban, dabigatran, apixaban) và thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, brilinta...), bệnh nhân có thể dừng một liều thuốc cho đến khi được tiêm bắp xong.
Sau tiêm, người dân có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Trên thực tế, hơn 70% số người được tiêm cho biết có ít nhất một phản ứng toàn thân. Các phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ (đặc biệt là ở vùng xung quanh vết tiêm), đau nhức cơ thể và sốt. Những tác dụng phụ này nói chung là tạm thời và là dấu hiệu bình thường cho thấy hệ thống miễn dịch đang hoạt động. Hầu hết các triệu chứng này có thể được giảm bớt bằng các loại thuốc hạ sốt và giảm đau chống viêm thông thường.
Các nghiên cứu cũng cho thấy khi so sánh nhóm tiêm phòng Covid-19 có bệnh lý nền như đột quỵ não và nhóm cư dân khỏe mạnh, các tác dụng phụ, biến cố sau tiêm cũng như khả năng tăng nặng các triệu chứng là hiếm gặp và không có sự khác biệt. Sau tiêm phòng, quá trình hồi phục chức năng của bệnh nhân đột quỵ không bị ảnh hưởng, người bệnh vẫn tuân thủ chế độ luyện tập và phác đồ điều trị đã đề ra trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Hải Linh
Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108