Đông trùng hạ thảo là một giống nấm mọc ký sinh trên con non của loại sâu thuộc họ Cánh bướm. Vào mùa đông, con sâu non nằm ở dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân con sâu để hút chất dinh dưỡng làm cho sâu chết. Đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất mọc chồi khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Người ta thường đào lấy tất cả xác sâu và nấm mà dùng làm thuốc. Vì mùa đông là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ nên gọi là Đông trùng hạ thảo.
Từ lâu, đông trùng hạ thảo được sử dụng như thảo dược trong y học cổ truyền Trung Hoa và y học cổ truyền Tây Tạng. Đông trùng hạ thảo chỉ có vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 đến 5.000 m, như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam... của Trung Quốc.
Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý hiếm được Đông y so sánh bổ ngang với nhân sâm - loại thần dược nổi tiếng ở Trung Quốc từ xa xưa và rộng khắp thế giới hiện nay. Vì giá thành cực đắt, chỉ hoàng gia hoặc giới quý tộc mới có tiền mua chúng.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, trong Đông y Trung Quốc, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ấm, đi vào hai kinh phế và thận, có công năng dưỡng phế, bổ thận, ích tinh. Trong y học hiện đại, loại dược liệu này chứa lượng protid cao (thành phần chính của nhân và các nguyên sinh chất của tế bào). Ngoài ra, chúng có nhiều loại vitamin nhóm A,B,C... rất tốt cho sức khỏe.
Công dụng bổ phổi ích thận của đông trùng hạ thảo được ghi nhận trong sách cổ "Bản thảo trùng tân". Nó còn giúp tăng cường chức năng của hệ hô hấp, giảm dị ứng khí quản, viêm nhánh khí quản, hen suyễn, đặc biệt hiệu quả đối với chứng ho lâu ngày không khỏi.
Theo các tài liệu y khoa, đông trùng hạ thảo làm tăng sản xuất phân tử adenosine triphosphate (ATP) của cơ thể, rất cần thiết để cung cấp năng lượng cho cơ bắp, ở cả người già và người trẻ tuổi. Người cao tuổi sử dụng đông trùng hạ thảo sẽ giảm mệt mỏi, tăng cường sức mạnh và ham muốn tình dục. Hàm lượng chất chống oxy hóa của thảo dược này làm chống lão hóa, cải thiện trí nhớ.
Các nhà khoa học tin rằng, loại nấm này còn có khả năng ức chế sự phát triển của nhiều loại tế nào ung thư ở người, bao gồm: ung thư phổi, ung thư ruột kết, ung thư da, ung thư gan. Chúng có thể hạn chế tác dụng phụ trong quá trình điều trị chống khối u.
Một số tác dụng khác của đông trùng hạ thảo tốt cho bệnh nhân bị tiểu đường, có lợi cho sức khỏe tim mạch, chống viêm.
Theo lương y Sáng, công dụng tăng cường sinh lý của đông trùng hạ thảo cũng đã được y học cổ truyền chứng minh từ lâu. Trên lâm sàng, các nhà y học cổ truyền trong và ngoài nước, đã nghiên cứu dùng đông trùng hạ thảo điều trị thành công khá nhiều bệnh nhân bị liệt dương, suy giảm ham muốn tình dục, di tinh, mộng tinh, xuất tinh sớm. Loại thảo mộc này giúp tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết, cải thiện chức năng thận hư - một trong những nguyên nhân chính gây giảm ham muốn tình dục, yếu sinh lý.
Có nhiều cách chữa yếu sinh lý bằng đông trùng hạ thảo như ngâm rượu, làm trà. Ngâm rượu bằng cách cho đông trùng hạ thảo và nhân sâm vào trong bình thủy tinh, đổ ngập rượu vào ngâm. Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Ngâm trong khoảng 30 ngày là có thể đem ra sử dụng. Mỗi ngày uống một chén nhỏ trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ 30 phút. Có thể làm rượu đông trùng hạ thảo nhung hươu, đông trùng hạ thảo kỷ tử.
Để làm trà, cho đông trùng hạ thảo (2 con), nhân sâm (4 g) vào nước sôi 15 phút. Uống nhiều lần trong ngày thay cho trà. Sau khi uống cạn nước trà đầu có thể hãm thêm 3 lần nữa, rồi lấy bã ăn. Các món ăn từ đông trùng hạ thảo như: gà hầm đông trùng hạ thảo, thịt dê hầm đông trùng hạ thảo, thịt lợn hấp đông trùng hạ thảo,... cũng rất bổ ích.
Ở nhiều nơi tại Tây Tạng, ngành công nghiệp khai thác đông trùng hạ thảo tạo ra thu nhập cao cho người dân địa phương. Việc khai thác quá mức khiến số lượng của chúng trong tự nhiên ngày càng giảm xuống. Do đó giá thành của đông trùng hạ thảo khá cao, trung bình 50.000-90.000 USD một kg. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều nước đã nghiên cứu và nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo, như Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Thái Lan... Người dùng nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc và quy trình sản xuất trước khi quyết định mua.
Thúy Quỳnh