Chiều 30/6, Luật An ninh Hong Kong được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7. Vài giờ sau khi ông Tập ký luật, chính quyền Hong Kong cũng thông qua và công bố chi tiết các điều khoản của luật mới. Một số chính phủ phương Tây cảnh báo luật an ninh này sẽ hạn chế các quyền tự do của thành phố và làm suy yếu mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
Nhưng trong giới kinh doanh, nhiều người kỳ vọng Hong Kong vẫn sẽ là một nơi có lợi nhuận cao cho thương mại, được hỗ trợ bởi hàng tỷ USD sau hàng loạt vụ các công ty Trung Quốc niêm yết và giao dịch tài sản vài tuần qua.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp và chủ ngân hàng thậm chí còn tán thành lập luận của Bắc Kinh, rằng luật mới sẽ giúp Hong Kong ổn định kinh doanh nhờ việc giúp cảnh sát trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ đôi khi bạo lực.
Trong các tòa nhà chọc trời lấp lánh và phòng hội thảo ốp gỗ, nhiều chủ ngân hàng và nhà giao dịch chỉ chấp nhận thảo luận về vấn đề luật an ninh mới trong điều kiện giấu tên. Họ đã bớt lo ngại việc chọc giận Bắc Kinh nhưng giờ e dè hơn về việc sợ bị lội vào cuộc tranh chấp địa chính trị Mỹ - Trung.
"Cộng đồng doanh nghiệp là người cổ động", Fraser Howie, cựu nhân viên ngân hàng và là người có những bài viết về hệ thống tài chính của Trung Quốc nhận xét, "Bằng cách nào đó, họ tách bạch rằng 'Tôi làm kinh doanh chứ không làm chính trị'".
Các chủ ngân hàng đầu tư và các nhà giao dịch nói rằng dòng tiền mới liên tục của Trung Quốc và các nỗ lực khác đã giúp Bắc Kinh đảm bảo cho khả năng cạnh tranh của Hong Kong. Trong tháng này, Trung Quốc cam kết hỗ trợ đôla Hong Kong nếu dòng vốn đột ngột bị rút ra, để đảm bảo vị thế trung tâm tài chính cho hòn đảo.
Tháng qua, những cư dân Hong Kong phản đối dự luật an ninh mới đã hồi hộp chờ đợi trong nhiều tuần để tìm hiểu luật này quy định chi tiết thế nào. Trong giai đoạn đó, tiền từ các thương vụ giao dịch và niêm yết từ công ty Trung Quốc nổi lên liên tục, như để trấn an nhiều người trong giới kinh doanh rằng đặc khu này vẫn sẽ là nơi tuyệt vời để làm ăn.
Khi Quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật an ninh mới tháng trước, thị trường chứng khoán Hong Kong rơi vào hoảng loạn, trượt dốc mạnh nhất trong 5 năm. Nhưng sau đó, nó lại sớm phục hồi, nhờ vào các nhà đầu tư Trung Quốc. Một phân tích của Bloomberg cho thấy dòng vốn đầu tư của đại lục vào thị trường này đã tăng mạnh trong năm nay và tăng tốc sau khi công bố dự luật.
JD.com, nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc, đã huy động được 3,9 tỷ USD vào tuần trước bằng cách niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Chỉ hai tuần trước, NetEase, một công ty trò chơi trực tuyến của Trung Quốc, đã huy động được 2,7 tỷ USD trong đợt chào bán tại đây.
Thị trường bất động sản cho thuê cũng được công ty Trung Quốc nâng đỡ sau khi bị ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình bắt đầu một năm trước. Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử và ByteDance, công ty mẹ của TikTok, gần đây đã ký gói thuê hợp đồng thuê văn phòng mới khá lớn, theo những người trong ngành.
Những thỏa thuận này là nối tiếp nhiều hoạt động trước đó mà các công ty Trung Quốc triển khai tại hòn đảo, góp phần cam đoan sự thịnh vượng cho tương lai Hong Kong. Vào tháng 11/2019, khi các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm, Ping An, một đại gia bảo hiểm Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, đã trả 5,4 tỷ USD cho một bất động sản chưa được xây dựng gần ga tàu cao tốc ở quận West Kowloon. Cùng tháng đó, Alibaba đã huy động được 11,2 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu ở Hong Kong.
"Sự thật là một số công ty Trung Quốc đang có những động thái mở rộng hoạt động ở Hong Kong, và tôi nghĩ xu hướng này sẽ tiếp tục", ông Cameron Wong, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Jones Lang LaSalle, nhận định.
Có rất ít bằng chứng cho thấy dòng tiền mới này đại diện cho một chiến lược có tính toán của Bắc Kinh nhằm giúp luật an ninh mới dễ được chấp nhận hơn. Bởi lẽ, không cần động thái này thì trong nhiều năm qua, các công ty nhà nước của Trung Quốc lẫn các công ty khác từ đại lục đã gia tăng đầu tư ở Hong Kong, làm lu mờ dòng tiền quốc tế và các ông trùm địa phương.
Các công ty Trung Quốc đang bán cổ phiếu ở Hong Kong một phần vì các nhà quản lý và nhà lập pháp ở Mỹ đang siết chặt việc cho phép họ niêm yết tại Phố Wall sau một loạt vụ bê bối kế toán. Ngân hàng đầu tư Jefferies tính toán rằng, các công ty Trung Quốc có thể thu hút được gần 600 tỷ USD tiền của các nhà đầu tư quốc tế đổ vào Hong Kong trong năm tới.
"Như một hệ quả trực tiếp trong bối cảnh quy định siết chặt tại Mỹ, rất nhiều công ty Trung Quốc đang định hướng lại hoạt động kinh doanh thông qua huy động vốn ở Kong Kong", Shaun Wu, chuyên gia tại hãng luật Paul Hastings, nhận định.
Các nhà quản lý Hong Kong gần đây đã ban hành các quy tắc mới giúp các công ty Trung Quốc dễ dàng niêm yết hơn. Các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc đã thay thế các ông trùm địa phương và các nhà giao dịch của Anh với tư cách là chủ sở hữu của các tòa nhà chọc trời ở đặc khu. Ngày nay, khoảng 5% các tòa nhà này thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc, theo ước tính của Colliers.
Để trả đũa Trung Quốc, chính quyền Trump và một số nhà lập pháp Mỹ đã đe dọa sẽ thu hồi các đặc quyền thương mại mà Mỹ áp dụng cho Hong Kong. Hôm thứ hai (29/6), ngay trước khi Trung Quốc phê chuẩn luật, chính quyền Trump đã đưa ra những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng và một số sản phẩm công nghệ cao của Mỹ sang Hong Kong.
Cách trả đũa sâu rộng hơn vẫn là một dấu hỏi. Vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong phụ thuộc vào quyền tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu của nó. Bất kỳ động thái nào của Washington nhằm hạn chế quyền tiếp cận vào đôla Mỹ có thể gây thiệt hại không thể khắc phục được.
Cho đến nay, cảnh báo của chính quyền Trump chỉ tập trung vào thương mại. Xóa bỏ tình trạng đặc biệt của Hong Kong sẽ khiến hàng hóa di chuyển qua đặc khu cũng chịu mức thuế cao và các rào cản thương tự như Mỹ áp dụng cho đại lục. Nhưng vai trò là trung tâm thương mại của Hong Kong thực tế đã giảm và các chủ ngân hàng nói rằng sự trả đũa này ít có tác động đến họ.
Ngoài hỗ trợ bởi tiền, hoạt động kinh doanh ở đây cũng được ổn định bởi vai trò của Bắc Kinh, theo New York Times. Các chính trị gia thân Bắc Kinh ở Hong Kong và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo HSBC rằng khách hàng của họ từ Trung Quốc có thể rời bỏ nếu không đồng tình với dự luật mới. Cathay Pacific và các công ty kế toán toàn cầu cũng được nhắc nhở không để nhân viên tham gia phong trào dân chủ.
Một số người trong thế giới kinh doanh vẫn lo lắng sẽ gặp nguy hiểm và đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển trụ sở trong những năm tới. Cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ cho hay, khoảng 40% doanh nhân cho biết họ sẽ cân nhắc việc di chuyển sau luật an ninh mới.
Một số đã bắt đầu rời đi. Các thương hiệu xa xỉ đã thu hẹp không gian bán lẻ và văn phòng. Tỷ lệ văn phòng trống đang là 7,4%, cao nhất kể từ mức đáy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 9/2009, theo Jones Lang LaSalle.
Để giảm bớt nỗi sợ và ngăn chặn một cuộc di cư có thể xảy ra, các cơ quan tài chính địa phương đã tăng nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng này, Cơ quan tiền tệ Hong Kong, tương đương ngân hàng trung ương của đặc khu, đã cập nhật một cẩm nang đầu tư 17 trang cho các nhà đầu tư quốc tế. Một trong số ưu điểm được nhấn mạnh trong tài liệu là khả năng tiếp cận đến nguồn vốn khổng lồ của đại lục. Nói cách khác, Hong Kong muốn tuyên bố, họ đang là cửa ngõ để tiếp cận cơ hội tại Trung Quốc.
Phiên An (theo NYT)