Trung Quốc không chỉ tác động đến chính trị ở Hong Kong mà còn đang đẩy mạnh hơn tầm ảnh hưởng với đời sống kinh doanh của trung tâm tài chính quốc tế này. Các doanh nghiệp bất động sản, tài chính, viễn thông mà phần lớn được Bắc Kinh hỗ trợ, ngày càng có vai trò quan trọng tại Hong Kong.
Trong khi những người ủng hộ hội nhập kinh tế chỉ ra tác động thúc đẩy tăng trưởng của đầu tư Trung Quốc vào Hong Kong, những người chỉ trích lại coi đây là một sự tiêu cực với quyền tự trị của Hong Kong.
Vài tuần gần đây, mối lo ngại này được dấy lên cao hơn sau khi Trung Quốc tuyên bố áp đặt luật an ninh quốc gia với Hong Kong, đe dọa sự độc lập của hệ thống tư pháp – điều vốn quan trọng để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.
"Hong Kong có khả năng phát triển thành một trung tâm nước ngoài của Trung Quốc. Là một trung tâm nước ngoài, nó có thể có một số ưu đãi thuế, có chính sách riêng để huy động vốn và thu hút đầu tư... nhưng nó vẫn không phải một trung tâm tài chính toàn cầu – nơi có phần lớn người chơi quốc tế", Garcia Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis SA nhận định.
Bloomberg lấy một ví dụ đơn giản về số văn phòng của các doanh nghiệp Nhật Bản hay Mỹ tại Hong Kong không đổi trong 5 năm qua trong khi của các công ty Trung Quốc tăng vọt. Chỉ trong 3 tháng qua, CMB International Capital, China Minsheng Banking và Orient Finance Holdings đã tăng diện tích văn phòng tại khu vực trung tâm Hong Kong.
Trong lúc các công ty Trung Quốc đang mở rộng, các doanh nghiệp phương Tây ngày một lo ngại về tương lai của đặc khu Hong Kong. Hơn một phần tư doanh nghiệp được Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong khảo sát tháng này cho biết cân nhắc chuyển đến nơi khác. Gần 40% người được hỏi cho biết đang cân nhắc việc tái định cư cá nhân khi Trung Quốc thúc đẩy luật an ninh quốc gia gây tranh cãi, được coi là làm xói mòn khuôn khổ pháp lý của Hong Kong.
Doanh nghiệp Trung Quốc cũng có ảnh hưởng ngày càng lớn tại Hong Kong. Trong các lĩnh vực như môi giới nhà đất, quản lý tài sản và ngân hàng, các doanh nghiệp được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã tăng cường sự hiện diện.
Theo dữ liệu của Bloomberg, năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 12 trong số 20 nhà bảo lãnh phát hành trái phiếu bằng đồng USD, trong khi một thập kỷ trước chỉ có 3. Họ chịu trách nhiệm điều phối khoảng 60% nguồn vốn huy động trong các thương vụ năm ngoái và lần đầu vượt qua các doanh nghiệp quốc tế năm 2018. Người mua trong các thương vụ này cũng là các nhà đầu tư ngày càng giàu có ở Trung Quốc và trong khu vực.
Các nhà băng Trung Quốc cũng ngày một chi phối thị trường cho vay vốn nước ngoài với Bank of China – đứng thứ hai năm ngoái, chỉ sau HSBC Holdings. Tổng dư nợ các tổ chức tài chính Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước này vay đã tăng lên 48,5% năm 2019, so với mức 28,5% bốn năm trước.
Bức tranh tương tự cũng xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Thông qua IPO, thị trường Hong Kong huy động được nhiều tiền hơn New York năm ngoái, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Vai trò trung tâm huy động vốn của Hong Kong cho Trung Quốc đang được củng cố nhưng đóng góp của đặc khu này vào nền kinh tế Trung Quốc đã giảm đi nhiều. Trung Quốc đã dần ít phụ thuộc vào Hong Kong như một nguồn tăng trưởng khi đã có các thành phố như Thâm Quyến. Năm 1997, Hong Kong đóng góp 17% vào GDP Trung Quốc nhưng năm ngoái chỉ còn dưới 3%.
Tú Anh (theo Bloomberg)