Ngày 16/5, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết cơ quan chức năng hai nước tiếp tục trao đổi, thống nhất các bước để nhận sếu đầu đỏ ở vườn thú Nakhon Ratchasima (tỉnh Nakhon), cùng các giải pháp giúp sếu thích nghi điều kiện sống mới. Hiện, vườn quốc gia Tràm chim chuẩn bị xong khu vực chăm sóc sếu, cử cán bộ sang Thái Lan học tập kinh nghiệm.
Sếu đầu đỏ thuộc động vật quý hiếm nên việc chuyển giao phải qua nhiều công đoạn. Bên tiếp nhận sếu có trách nhiệm bồi hoàn một khoản kinh phí tượng trưng cho công tác chăm sóc, thuần dưỡng (không được xem là mua bán). Ngoài ra, sếu được xem là "quốc bảo" của người Thái, do đó đại diện vườn thú của họ sẽ chọn hai động vật ở Việt Nam để tiến hành trao đổi.
Theo ông Thiện, theo lộ trình cặp sếu đầu tiên sẽ được vườn thú ở Thái Lan chuyển giao cho Đồng Tháp năm 2024. Đây là hai sếu trưởng thành 6 tháng tuổi, đang trong giai đoạn trưởng thành. Địa phương kỳ vọng 4 năm tới tiếp nhận khoảng 20 sếu, vừa chăm sóc vừa huấn luyện.
Đồng Tháp xác định dự án bảo tồn sếu sẽ được tỉnh làm từng bước, trong thời gian dài vì Thái Lan mất hàng chục năm mới phục hồi được đàn sếu ngoài tự nhiên. "Dù được phía bạn hỗ trợ tận tình, chúng tôi xác định không thể có kết quả ngay chỉ trong một vài năm", ông Thiện nói và cho biết tỉnh đã có kế hoạch vận động nguồn lực xã hội hóa bảo tồn sếu.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM), hiện là chuyên gia cố vấn cho dự án bảo tồn sếu, cho biết ban đầu dự án tính nhập trứng ở Thái Lan về ấp. Tuy nhiên các chuyên gia nhận thấy nguồn lực của Tràm Chim chưa đủ để thực hiện các bước này, sẽ xảy ra nhiều rủi ro khi ấp nở, nuôi con non, làm phát sinh chi phí.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500 ha, trước đây thường được đàn sếu di cư từ Campuchia tìm về, có khi cả nghìn con vào những năm 1990. Tuy nhiên do suy giảm đàn và sai lầm trong quản lý môi trường sinh thái, đàn sếu dần vắng bóng. Đồng Tháp xây dựng dự án, đề ra kế hoạch trong 10 năm sẽ nuôi, thả 150 sếu ra tự nhiên, trong đó ít nhất 100 con sống sót để tự nhân đàn.
Cuối năm ngoái, Đồng Tháp có kế hoạch nhận cặp sếu của vườn thú ở thủ đô Vientiane (Lào), song sau đó một trong hai con đã chết vì lý do sức khỏe nên việc đưa về Việt Nam bị hoãn.
Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2 - 2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu ba năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.
Ngọc Tài