Hai con sếu gần 20 tuổi, nặng 5-6 kg, đang nuôi tại vườn thú tại Vientiane. Do quá trình nuôi gặp một số khó khăn, sếu không đủ sức khoẻ để sinh tồn ngoài tự nhiên, vườn thú này đã liên hệ Hội Sếu quốc Tế tại Mỹ tìm nơi thích hợp để nuôi dưỡng.
TS Trần Triết (thành viên Hội Sếu quốc tế) đã liên lạc Đồng Tháp để đưa cặp sếu về Tràm Chim, bởi nơi đây được xem có điều kiện tự nhiên thích hợp để nuôi dưỡng. Dự kiến tháng 11 này, cặp sếu sẽ được đưa về Việt Nam.
"Cặp sếu chủ yếu phục vụ mục tiêu giáo dục môi trường, không nhằm mục đích sinh sản, gầy lại đàn sếu", TS Triết nói. Đến nay Vườn quốc gia Tràm Chim đã xây dựng chuồng, tập huấn nhân viên để chăm sóc tốt nhất khi tiếp nhận sếu.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500 ha, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau mới rời đi.
Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2 - 2,5 m, nặng 8-10 kg. Đây là động vật nằm trong Sách đỏ cần được bảo tồn.
Theo Hội Sếu quốc tế, toàn thế giới ước tính có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, hiện chỉ còn khoảng 160 con.
Ngọc Tài