Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết tháng 9 này đoàn công tác của tỉnh sang Thái Lan thống nhất nội dung hợp tác chuyển trứng sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim để gầy lại đàn sếu. Nếu thuận lợi địa phương sẽ đạt được thoả thuận chuyển giao trứng sếu đưa về nước trong năm nay.
Cùng thời gian này, Vườn quốc gia Tràm Chim chuẩn bị cơ sở vật chất để ấp trứng (khoảng 30 ngày), nuôi và huấn luyện con non theo quy trình chuyển giao. Vài năm sau, sếu đầu tiên sẽ được thả ra tự nhiên. Dự án tính toán mỗi năm thả thành công 10 con, trong 10 năm vườn có 100 con sếu. Với số lượng như vậy, đàn sếu có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên với mức độ đa dạng, duy trì quần thể.
Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp có dự án nuôi ấp đối với sếu đầu đỏ, vì từ trước đến nay loài chim này thường sinh nở ở Campuchia sau đó di cư về Tràm Chim từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vườn quốc gia này rộng 7.500 ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây từng ghi nhận nhiều sếu - động vật nằm trong sách đỏ cần bảo tồn - nhất Đông Nam Á, có lúc hơn nghìn con vào những năm 1990.
Tuy nhiên, gần đây, số lượng sếu về Tràm Chim ngày giảm mạnh. Thống kê, những năm 2014-2016 có 14-23 con về mỗi năm. Năm 2017 chỉ có 3 con. Năm 2018, có 9 con và năm sau là 11 con về vườn. Đáng chú ý năm 2020 và 2022 không có con sếu nào về.
TS Trần Triết, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, thành viên Hội Sếu quốc tế tại Mỹ, cho biết cách đây 50 năm, sếu hoàn toàn biến mất tại Thái Lan. Quốc gia này phải mất 30 năm để gầy lại đàn sếu, trong đó 20 năm đầu học tập, nghiên cứu quá trình nuôi, xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ - nơi sếu được thả ra tự nhiên, kể cả sang Mỹ học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.
"Sếu nuôi khó sinh sản hơn sếu sống ngoài tự nhiên. Thụ tinh để tăng đa dạng di truyền trong quần thể, tránh giao phối cận huyết, đảm bảo đàn sếu khoẻ mạnh khi về tự nhiên", ông nói và cho biết quá trình này không chỉ mất rất nhiều thời gian mà kinh phí cũng rất lớn, lên đến hàng chục triệu USD.
Đến nay, việc nuôi sếu của Thái Lan được đánh giá thành công. 10 năm qua nước này thả gần 200 con sếu về tự nhiên, hiện đàn sếu này có thể tự sinh sản. Do đó, khi người Thái đồng ý hợp tác chuyển giao, dự án gầy lại đàn sếu của Đồng Tháp có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu và giảm kinh phí. "Về kỹ thuật là khả thi, vấn đề còn lại là quyết tâm của Việt Nam vì có thể mất 10 năm thậm chí nhiều hơn để có được đàn sếu khoẻ mạnh ngoài tự nhiên", ông Triết nói.
Để phục hồi đàn sếu, các chuyên gia cho rằng Tràm Chim cần chấm dứt việc trữ nước cao quanh năm để chống cháy rừng. Bởi vùng đất rộng 7.500 ha này có hệ sinh thái đất ngập nước, cần chế độ thủy văn ngập - khô luân phiên theo mùa tự nhiên của Đồng Tháp Mười. "Việc trữ nước cao quanh năm khiến môi trường cho sếu không còn. Chúng không thể về Tràm Chim là chuyện đương nhiên", thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, cho biết.
Ông dẫn chứng trong 3 năm 2009-2011, Đồng Tháp đã ban hành quy chế thí điểm quản lý thủy văn cho Tràm Chim với sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Tổ chức này khuyến nghị duy trì mực nước đúng trong mùa khô ở Tràm Chim, giúp đồng cỏ (trong đó có cỏ năn, thức ăn chính của sếu) phục hồi nhanh chóng từ 800 ha lên 2.700 ha, kéo theo đàn sếu từ 48 con năm 2001 tăng lên 84, 85, 94 con trong ba năm sau đó.
Ngoài ra, trong thời gian thí điểm, mỗi năm có 6-9 vụ cháy đồng cỏ, rừng tràm diện tích từ 15 đến 388 ha. Đồng cỏ và rừng tràm đều phục hồi tốt sau cháy. Tuy nhiên, khi ba năm thí điểm kết thúc, quy chế đặc thù cho Tràm Chim cũng ngừng, cách quản lý thủy văn ở Tràm Chim quay lại như cũ. Sự lấn cấn về quản lý thủy văn cho hệ sinh thái đất ngập nước đến nay chưa được giải quyết.
Cũng theo chuyên gia này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường cần đưa ra khung pháp lý phù hợp, giải quyết vướng mắc về quản lý thủy văn cho các hệ sinh thái đất ngập nước trong hệ thống rừng đặc dụng, khác với rừng trên đất cao.
"Quần thể sếu ngoài tự nhiên còn quá ít, nên việc nuôi sếu cho sinh sản cần phải làm", ông Thiện nói và cho rằng cần tiến hành song song phục hồi lại sinh cảnh của sếu trong Tràm Chim cùng các vùng lân cận, không thể "nuôi sếu như nuôi gà".
Đồng quan điểm, TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nói việc cấp bách là phải giữ gìn, phục hồi lại sinh cảnh sống vốn có của sếu tại Tràm Chim, bên cạnh quy hoạch cánh đồng lúa hữu cơ ở các xã xung quanh.
"Ưu tiên hàng đầu là phục hồi môi trường sống của sếu ở Tràm Chim", ông Ni nói và cho rằng chương trình hợp tác sẽ thành công nếu kèm theo điều kiện giữ được vùng sinh thái rộng lớn, đủ thức ăn giúp sếu đầu đỏ có thể sinh sản.
Sếu đầu đỏ phương Đông là loài di cư có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg.
Số liệu quan trắc hàng năm của Hội sếu quốc tế cho thấy đàn sếu phương Đông chủ yếu ở Việt Nam và Campuchia đã giảm hơn 80% trong 10 năm trở lại đây, hiện chỉ còn khoảng 160 con, tỷ lệ giảm trung bình 8% mỗi năm. Với tốc độ suy giảm nhanh như như vậy, tổ chức này dự báo tương lai không xa đàn sếu phương Đông có thể hoàn toàn biến mất.
Ngọc Tài