Ngày 13/8, Chủ tịch UBND Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, qua thời gian thực hiện "3 tại chỗ" gồm sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại nhà máy, tỉnh nhận thấy nhiều rủi ro kể cả sàng lọc định kỳ nhưng việc phát hiện ca nhiễm muộn, y tế vào cuộc chậm sẽ dễ dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch trong doanh nghiệp.
"Ba tại chỗ đến nay không còn phù hợp vì mô hình chỉ thích hợp trong thời gian ngắn về lâu dài cơ sở vật chất của doanh nghiệp khó đáp ứng được", người đứng đầu tỉnh đồng tháp nói và cho rằng cần có phương án mới, có cách vận hành linh hoạt, giảm áp lực cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.
Trong thời gian tới doanh nghiệp cần "tổ y tế tại chỗ", nếu không đủ điều kiện có thể phối hợp với y tế địa phương hoặc ký kết hợp đồng với y tế tư nhân.
Ông Đinh Tấn Tài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, cho biết đang thiết lập tổ y tế tại chỗ cho một doanh nghiệp trong tỉnh. Theo đó, phương án đưa ra cần căn cứ vào số lượng công nhân để bố trí nhân lực phù hợp và phải đảm bảo đủ 3 thành phần là bác sĩ, cán bộ phụ trách nhiễm khuẩn, điều dưỡng.
Khi phát hiện ca nghi ngờ, ngành y sẽ lập tức lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ khu trú, tiến hành phong tỏa, khử khuẩn, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần. Riêng các dây chuyền sản xuất được đánh giá an toàn sẽ tiếp tục sản xuất.
Để chủ động tầm soát đơn vị y tế cần có máy xét nghiệm, nếu cơ sở y tế có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ càng thuận lợi. Bên cạnh đó, tổ y tế này có thể chăm sóc sức khoẻ, xử trí các trường hợp bệnh thông thường cho người lao động. Về lâu dài các doanh nghiệp cũng có thể tuyển nhân sự cho các vị trí này.
Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), cho biết ngoài các yêu cầu "3 tại chỗ", công ty cũng đã chủ động có những biện pháp chăm sóc sức khỏe cho lao động như tăng cường sức đề kháng. Sau hơn một tháng thực hiện đưa 1.500 công nhân vào nhà máy làm việc, ông Thiện cho rằng dù có cố gắng kiểm soát tốt thì nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn. Do vậy, doanh nghiệp phải chủ động các phương án xử lý khi có ca nhiễm và mô hình "y tế tại chỗ" sẽ phát huy tác dụng trong tình hình mới.
Một lo ngại khác là việc vận chuyển hàng hóa, sắp tới tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp cần có phương án chặt chẽ, bố trí bến bãi, kiểm soát tài xế, khai báo cung đường vận chuyển. Bộ phận giám sát hoạt động "3 tại chỗ" của doanh nghiệp và địa phương phải chặt chẽ hơn nữa, cần báo cáo hàng ngày. Về lâu dài Đồng Tháp tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, tài xế vận chuyển...
Ông Phan Văn Thương, Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, địa phương đang có 9 doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" với 2.500 lao động, cho biết với yêu cầu "y tế tại chỗ" khả năng y tế địa phương khó đáp ứng hết được. Trong bối cảnh thành phố cũng căng mình xử lý các ổ dịch phát sinh ngoài cộng động. Hiện tại địa phương này cũng thuê một đơn vị y tế tư nhân để tầm soát toàn thành phố bằng phương pháp PCR mẫu gộp, giảm tải phần nào cho CDC tỉnh.
Đồng Tháp hiện có 105 trong tổng số 431 doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" với gần 15.000 lao động, chiếm 27% tổng số lao động. Đến ngày 13/8, tỉnh này ghi nhận 4.469 ca Covid-19 trong làn sóng dịch thứ 4. Ca mắc đầu tiên vào ngày 31/5, do tiếp xúc với người mắc bệnh ở Long An.
Ngọc Tài