Bệnh viện đang điều trị 30 F0 mức độ trung bình và nặng, trong đó có 10 ca thở oxy liều cao. "Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà chúng tôi kết hợp thuốc đông tây y phù hợp. Ngoài thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng virus, bệnh nhân sẽ được dùng các bài thuốc đông y như xuyên tâm liên, diệp hạ châu, kim ngân hoa, nhân sâm bại độc, thuốc đông y trị ho bổ phế..", bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Ngọc Thanh (Viện Y Dược học Dân tộc TP HCM) cho biết.
Theo bác sĩ Thanh, kết quả thử nghiệm lâm sàng bài thuốc cổ phương "nhân sâm bại độc" do viện nghiên cứu trên 66 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 3 cho thấy tất cả bệnh nhân hết triệu chứng sau 5 ngày dùng thuốc. Trong đó, thời gian ra viện của nhóm dùng thuốc đông y trung bình sớm hơn so với nhóm dùng thuốc giả dược 3 ngày.
Trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai, nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân, trong đó 700 bệnh nhân dùng thuốc đông y và 300 bệnh nhân không dùng thuốc đông y. Kết quả, trong 700 bệnh nhân dùng thuốc không có bệnh nhân nào trở nặng, trong khi đó 300 người không dùng thuốc đông y có 14% bệnh nhân trở nặng.
Ngoài thuốc uống, các yếu tố tâm lý, thức ăn (dinh dưỡng), tập luyện đóng vai trò quan trọng trong phương pháp 4T mà Viện Y Dược học Dân tộc TP HCM áp dụng điều trị F0. Mỗi ngày hai lần, vào 7h30 và 16h30 bệnh nhân tập trung trên các hành lang, sân để tập dưỡng sinh, tập thở. Người bệnh có thể tập thở 4 thì để tăng cường hô hấp, tập thở bụng theo nhịp điệu êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài; thở ngực theo nhịp điệu êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài và hít vào ngực nở, bụng lép, thở ra ngực lép, bụng hơi phồng.
"Việc tập luyện không chỉ giúp các bệnh nhân vận động thể chất mau hồi phục còn nâng đỡ tâm lý bệnh nhân", bác sĩ Thanh nói. Tùy theo không gian và sức khỏe bệnh nhân, bệnh viện còn tổ chức các hoạt động thể thao phù hợp như cầu lông, bóng chuyền....
So với thời điểm dịch cách đây vài tháng hiện tinh thần các bệnh nhân đều khá hơn. Đối với các bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn lo âu, bác sĩ sẽ chia sẻ với người bệnh, cởi bỏ lo âu, động viên, tùy mức độ sẽ kê thêm các thuốc Đông y có tác dụng an thần dưỡng tâm. Viện cũng có khoa dinh dưỡng riêng để thiết kế chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu của người bệnh Covid-19 nằm ICU và các bệnh nhân khác.
"Chế độ dinh dưỡng được tính toán phù hợp với nhu cầu người bệnh, các món ăn mềm dễ tiêu hóa như canh súp, gà hầm... Tùy thể trạng bệnh nhân hàn hay nhiệt, bác sĩ cũng có cho thêm các dược liệu trong món hầm như câu kỷ tử, sâm... giúp tăng cường thể trạng, nâng đỡ hệ miễn dịch", bác sĩ Thanh nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Quang Minh, Viện Y Dược học Dân tộc TP HCM, cho biết liệu pháp xông hơi cũng được áp dụng đối với các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị Bệnh viện Dã chiến 3B . "Sử dụng các thảo dược có tính kháng khuẩn, kháng viêm như sả, gừng, oải hương... để xông giúp kháng khuẩn vùng hầu họng, tăng hiệu quả điều trị", bác sĩ Minh cho hay.
Cuối tháng 9 Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Cụ thể, theo y học cổ truyền, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên, giai đoạn đầu tập trung chủ yếu ở vùng mũi họng. Vì vậy, việc sử dụng một số phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp phòng bệnh khác sẽ hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bài thuốc được thiết kế cho từng nhóm bệnh nhân, sử dụng dưới sự kê đơn và giám sát của bác sĩ. Bài thuốc ngọc bình phong tán, nhân sâm bại độc tán, sâm tô ẩm, đạt nguyên ẩm, hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng. Với người bệnh Covid-19 triệu chứng nhẹ sẽ sử dụng các bài thuốc như sâm tô ẩm, hoắc hương chính khí tán, nhân sâm bại độc tán gia giảm, ngân kiều tán, tang cúc ẩm, thanh ôn bại độc ẩm...
F0 điều trị tại nhà được y bác sĩ Viện Y Dược học Dân tộc TP HCM, Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3... hướng dẫn các phương pháp Đông y thông qua trạm y tế lưu động và tổ hỗ trợ F0 từ xa.
Ngoài điều trị bệnh nhân Covid-19 theo phương pháp Đông - Tây y tại bệnh viện, hiện Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM có khoảng 36 nhân viên y tế tham gia vào 12 trạm y tế lưu động của thành phố để hỗ trợ F0. "Hiện mô hình trạm y tế lưu động rất thuận lợi cho công tác điều trị F0 tại nhà. Qua quá trình hỗ trợ thăm khám tùy tình hình sức khỏe bệnh nhân, các nhân viên y tế hướng dẫn cho bệnh nhân tập thở và tư vấn sử dụng thêm các thuốc y học cổ truyền giúp nâng cao thể trạng, giảm triệu chứng và mau hồi phục", bác sĩ Lưu Quốc Hải, Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM cho biết và nói thêm F0 nhẹ sử dụng thuốc Đông - Tây y kết hợp thường sẽ hồi phục nhanh, âm tính sau khoảng 7 ngày, ít có trường hợp trở nặng.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, thông qua mô hình tư vấn từ xa, các nhân viên y tế hướng dẫn F0 tự theo dõi sức khỏe, theo dõi SpO2 cách thở, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc Đông y bên cạnh các thuốc Tây y điều trị Covid-19. Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 3, cho biết, thuốc được bào chế từ các dược liệu y học để phát biểu (giải cảm) giúp người bệnh hạ sốt. Các thành phần như nhân sâm, hàn kỳ, bạch truật giúp tăng cường chính khí, bồi bổ cơ thể. Thảo dược giúp ôn ấm, giảm tiêu chảy như cảm thảo, gừng, cát cánh.
"Sử dụng thuốc đông y điều trị Covid-19 giúp người bệnh bớt mệt mỏi, mất ngủ, giảm triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực, ho, tiêu chảy, mau hồi phục. Hiện thuốc được bào chế dưới nhiều dạng viên uống, siro và thuốc nước sắc sẵn, bệnh nhân có thể hâm nóng để uống khá tiện lợi", bác sĩ Thy cho hay.
Lê Cầm