Theo Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, F0 mức độ nhẹ có các triệu chứng lâm sàng là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau cơ, ít gặp hơn như nghẹt mũi, chảy nước mũi, nôn, tiêu chảy, mất khứu giác, tê lưỡi; chưa có dấu hiệu viêm phổi, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, chỉ số SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời.
Y học cổ truyền chia nhóm F0 triệu chứng nhẹ làm hai thể cơ bản:
Thể hàn thấp, triệu chứng lâm sàng gồm sốt, sợ lạnh, người mệt, toàn thân mỏi đau, ho, khạc đờm, ngực bức khó chịu, không muốn ăn, buồn nôn, nôn, đại tiện không thông, lưỡi nhạt. Dưới đây là một số bài thuốc được Bộ Y tế khuyến cáo bác sĩ tham khảo kê đơn và gia giảm cho phù hợp với chẩn đoán.
Bài thuốc sâm tô ẩm thành phần gồm nhân sâm 12 g, tô diệp 12 g, cát căn 12 g, tiền hồ 8 g, bán hạ chế 6 g, bạch linh 12 g, trần bì 8 g, cam thảo 8 g, cất cánh 8 g, chỉ xác 8 g, mộc hương 6 g. Nếu không có nhân sâm có thể thay thế bằng đảng sâm với liều tương đương.
Bài thuốc hoắc hương chính khí tán, thành phần gồm hoắc hương 12 g, cất cánh 4-8 g, bạch linh 12-16 g, hậu phác 4-8 g, tử tô 8-12 g, bạch truật 8-12 g, bán hạ 12 g, bạch chỉ 4-8 g, đại phúc bì 8-12 g, trần bì 6-12 g, cam thảo 4 g.
Bài thuốc nhân sâm bại độc tán gia giảm, thành phần gồm sài hồ, bạch linh, nhân sâm, tiền hồ, cất cánh, xuyên khung, chỉ xác, khương hoạt, độc hoạt, cam thảo, mỗi loại liều lượng 12 g. Nếu sợ lạnh, sợ gió nhiều gia thêm quế chi 4-10 g; nếu chán ăn, khó tiêu gia hoắc hương 4-6 g, hậu phác 3-6 g; nếu buồn nôn nhiều gia sinh khương 10-12 g.
Các bài thuốc trên được bào chế dưới ba dạng là bột thô, cao lỏng hoặc thuốc sắc. Dạng thuốc sắc mỗi ngày 1 thang sắc lấy 300 ml, uống khi thuốc còn ấm, chia hai lần sau ăn sáng chiều. Dạng bột, mỗi lần dùng 8-15 g, tùy từng bài, hãm với 150 ml nước nóng như hãm trà, ngày uống hai lần sau ăn sáng chiều. Riêng bài nhân sâm bại độc tán gia giảm sau khi hãm trà cho thêm 2-3 lát gừng tươi và 2-3 lá bạc hà tươi. Dạng cao lỏng dùng lượng tương đương một thang thuốc sắc.
Thể thấp nhiệt, triệu chứng lâm sàng là sốt nhẹ hoặc không sốt, hơi sợ lạnh, mệt mỏi, đầu thân nặng nề, cơ bắp đau mỏi, ho khan đờm ít, nuốt đau, khô miệng không muốn uống nhiều nước, hoặc kèm theo tức ngực bụng trướng, không ra mồ hôi hoặc mồ hôi ra không thông sướng, hoặc buồn nôn không muốn ăn, đại tiện khó, lưỡi nhạt.
Một số bài thuốc tham khảo như sau:
Bài thuốc ngân kiều tán, thành phần gồm liên kiều 12 g, cất cánh 8 g, trúc diệp 5 g, kinh giới 5 g, đậu xị 6 g, ngưu bàng tử 8 g, kim ngân hoa 12 g, bạc hà 8 g, cam thảo 8 g.
Bài thuốc tang cúc ẩm, thành phầm gồm: tang diệp 8-12 g, cúc hoa 4-8 g, hạnh nhân 12 g, liên kiều 8-16 g, cất cánh 4-12 g, lô căn 12 g, bạc hà 4-8 g, cam thảo 4-6 g.
Bài thuốc thanh ôn bại độc ẩm, thành phần gồm sinh thạch cao 4-8 g, thủy ngưu giác 12-20 g, sinh địa 0,6-1 g, hoàng liên 10-16 g, xích nhược, chi tử, cất cánh, huyền sâm, liên kiều, hoàng cầm, tri mẫu, đan bì, trúc diệp, cam thảo. Liều lượng của những vị này tuỳ triệu chứng của bệnh nhân mà sử dụng.
Các bài thuốc ngân kiều tán và tang cúc ẩm được bào chế dưới ba dạng là bột thô, cao lỏng hoặc thuốc sắc. Dạng thuốc sắc mỗi ngày 1 thang sắc lấy 300 ml, uống khi thuốc còn ấm, chia hai lần sau ăn sáng chiều. Dạng bột, mỗi lần dùng 20-24 g với bài ngân kiều tán hoặc 10-12 g với bài tang cúc ẩm, tùy từng bài, hãm với 150 ml nước nóng như hãm trà, ngày uống hai lần sau ăn sáng chiều.
Riêng bài thanh ôn bại độc ẩm bào chế dạng thuốc sắc. Thạch cao sắc kỹ trước, sau đó cho các vị còn lại vào trừ sừng trâu (thủy ngưu giác). Ngày một thang sắc lấy 300 ml chia hai lần sau ăn sáng chiều, lấy sừng trâu mài thành nước hòa vào rồi uống.