Nội dung trên được Chủ tịch UBND Đồng Nai Cao Tiến Dũng nói khi làm việc trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống Covid-19 ở tỉnh này, ngày 24/6. Là tỉnh giáp ranh với TP HCM (2.175) và Bình Dương (191 ca), ông Dũng cho rằng việc dịch chưa xâm nhập mạnh ở Đồng Nai là may mắn.
Từ ngày 27/4 đến nay Đồng Nai ghi nhận bốn ca Covid-19, trong đó hai ca liên quan đến các ổ dịch ở TP HCM, một ca liên quan đến TP Đà Nẵng và ca còn lại từ ổ dịch Bình Dương.
Trước khả năng dịch lây lan, tỉnh chuẩn bị gần 20 khu cách ly, có khả năng tiếp nhận 3.000-5.000 người; chuyển đổi công năng Bệnh viện Phổi Đồng Nai thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Sắp tới, tỉnh nâng năng lực xét nghiệm từ 5.000 mẫu đơn (tương đương 50.000 mẫu gộp) một ngày lên 12.000 mẫu.
Ông Dũng cho biết tỉnh đang tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp. Hiện tình hình tương đối ổn, tuy nhiên nếu không kiểm soát chặt chẽ, không hạn chế di chuyển giữa vùng dịch về địa phương, chắc chắn Đồng Nai sẽ có nhiều ca bệnh thời gian tới.
Giải thích văn bản cách ly 21 ngày người từ TP HCM đến Đồng Nai ban hành hôm 4/6, ông Dũng cho biết, các ca dương tính, F1 ở tỉnh này đến nay đều lây từ TP HCM và Bình Dương. Trong khi đó, quy mô khu công nghiệp Đồng Nai rất lớn với 32 khu, 1,2 triệu công nhân, thời gian qua tỉnh đã gồng mình chống dịch, nếu như bị dịch xâm nhập, đặc biệt tại các khu công nghiệp thì thiệt hại không đếm xuể. Các doanh nghiệp đến làm việc đều đề nghị tỉnh phải cố giữ, bởi nếu để dịch xâm nhập sẽ gây đứt gãy chuỗi sản xuất, doanh nghiệp nguy cơ phá sản.
Để bảo vệ Đồng Nai, bảo vệ nền kinh tế cũng như công tác phòng dịch chung của cả nước, tỉnh mới ra văn bản trên. "Văn bản trên cũng như toàn bộ văn bản khác mà Đồng Nai phát đi không có ngăn sông cấm chợ, hàng hóa vẫn cứ đi nhưng con người hạn chế di chuyển, bớt di chuyển thì bớt nguồn dịch vào Đồng Nai. Nhưng có chỗ chưa rõ nên suy diễn này nọ, hôm sau chúng tôi đã điều chỉnh cho rõ hơn", ông Dũng nói và cho biết lãnh đạo tỉnh "chịu rất nhiều áp lực" về văn bản này.
Chỉ đạo về quản lý di chuyển giữa các địa phương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế họp với các địa phương để thống nhất cơ chế phối hợp, triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ, quản lý chặt chẽ người qua lại giữa các tỉnh trong khu vực, tránh để dịch bệnh lây lan.
Ông nói kiểm soát chặt không có nghĩa "ngăn sông cấm chợ", phải có giải pháp quản lý lịch trình cụ thể của công nhân từng phân xưởng, nhà máy, nhất là những người đang sống ở nơi khác, làm việc tại các doanh nghiệp tại Đồng Nai.
"Chúng ta không cấm đi lại, nhưng nhất quyết phải kiểm soát chặt người từ vùng dịch đi đến các địa phương khác. Ngoài người lao động thì cần quan tâm, chú ý đến giới tài xế, phụ xe, phải nắm được họ từ TP HCM đến Đồng Nai và đi những đâu", Phó thủ tướng nói và giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông cùng tỉnh Đồng Nai triển khai ngay việc áp dụng công nghệ quản lý tài xế.
Về vấn đề vaccine, lãnh đạo Chính phủ cho rằng sẽ ưu tiên cho các địa phương nhiều công nhân như Đồng Nai để bảo vệ sản xuất, thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Trong ngày, đoàn Bộ Y tế đã kiểm tra công tác chống dịch tại khu nhà trọ công nhân TP Biên Hòa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và một số công ty trong khu công nghiệp Amata.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá số ca mắc Covid-19 tại Đồng Nai chủ yếu là ca đơn lẻ có nguồn xâm nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, với số lượng công nhân đông nhất cả nước, Đồng Nai cần đánh giá rõ nguy cơ, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với từng mức độ dịch.
Ông Sơn yêu cầu tỉnh nên có chiến lược xét nghiệm phù hợp, đặc biệt việc bảo vệ các bệnh viện, cơ sở y tế để phát hiện sớm, nhanh các trường hợp có dấu hiệu lâm sàng nghi nhiễm khi đến thăm khám. "Ngoài ra tỉnh có thể triển khai thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà với sự theo dõi của nhân viên y tế", ông Sơn nói.
Bộ Y tế đã phân công Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn Đồng Nai chuẩn bị cơ sở hồi sức, hỗ trợ cho tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu khi có trường hợp nặng, phải sử dụng các hệ thống hồi sức; điều một máy thở ECMO cho Đồng Nai để tỉnh sớm triển khai khu hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng với số lượng 10-20 giường và tăng lên 50 giường thời gian tới.
Phước Tuấn