Động thái này được UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra trưa 5/6, sau khi nhiều doanh nghiệp ở TP HCM và Đồng Nai cho rằng việc tỉnh này cách ly 21 ngày đối với người từ TP HCM sẽ gây khó cho họ trong việc sản xuất vì thiếu lao động.
Quy định mới cho phép các chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón được phép qua lại bình thường, song phải đăng ký biển số xe với công an; phải lập danh sách, điểm đưa đón, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế người trên xe khi qua chốt kiểm dịch.
"Người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Xe không chở quá 50% số người so với quy định, thực hiện khử khuẩn xe sau mỗi ngày", văn bản nếu rõ.
Trong khi đó, chuyên gia, người lao động đi bằng xe cá nhân phải tuân thủ việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch. Các trường hợp không thực hiện các quy định trên, UBND tỉnh yêu cầu phải cách ly y tế 21 ngày.
Theo thống kê, hàng ngày có hơn 6.000 người ở Đồng Nai đến TP HCM làm việc. Ngược lại, có hơn 10.000 lao động, chuyên giao ở TP HCM đến Đồng Nai làm tại các khu công nghiệp.
Hôm qua, UBND Đồng Nai ra văn bản yêu cầu người về, đến từ TP HCM phải cách ly 21 ngày ở nhà hoặc cơ sở lưu trú (trừ những người phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế). Những người này phải lấy mẫu xét nghiệm hai lần vào ngày cách ly thứ 7 và 14, tự trả chi phí. Những người không khai báo và chấp hành sẽ bị xử lý.
Lý do được tỉnh này đưa ra do tình hình Covid-19 tại TP HCM rất phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, nhất là chuỗi liên quan điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Từ khi phát hiện 3 ca đầu tiên tối 26/5, đến nay đã có 6 tỉnh miền Nam gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh và Bạc Liêu đã ghi nhận ca bệnh liên quan.
Trước đó, Đồng Nai đã lập 20 chốt kiểm dịch trên bộ và 2 chốt đường thủy. Đồng thời, tỉnh cũng cấm xe khách, xe dịch vụ, taxi đến TP HCM.
Phước Tuấn