Mấy hôm nay, đội ứng phó khẩn cấp của nhà máy Công ty TNHH Sơn Ocean Việt Nam, Khu công nghiệp Long Thành làm việc liên tục để lắp đặt 6 container văn phòng, hoàn thành khu lưu trú tạm thời cho công nhân. Hôm nay nhà máy áp dụng phương án "3 tại chỗ", toàn thể nhân viên ăn ở, làm việc tại xưởng sản xuất.
Bà Hoàng Thị Minh Nguyệt, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Sơn Ocean cho biết, các container được công ty thuê, mỗi cái diện tích 30 m2, gắn máy lạnh, thông gió, cửa sổ, cửa chính, đèn chiếu sáng. Mỗi container chứa được 10 người gồm 5 người ca ngày, 5 người ca đêm. Mỗi công nhân có chừng 6 m2 diện tích sử dụng.
Ngoài bố trí container văn phòng, nhà máy cũng tăng cường nhà vệ sinh, mở thêm các khu tắm giặt mới, mua mới tủ đông. Công nhân được phát mền, gối, nệm và các vật dụng thiết yếu khác. Hàng ngày nhà bếp nấu ăn các bữa chính, phụ với chi phí 150.000 đồng cho mỗi người.
Trước khi áp dụng, Công ty Sơn Ocean lấy ý kiến hơn 100 lao động. Nhóm đồng ý ở lại sẽ sống trong các container từ 2 đến 3 tuần. Nhóm thường xuyên di chuyển được sắp xếp ở một container đặt ngoài nhà máy. Số khác có thể làm việc tại nhà hoặc tạm nghỉ được công ty trả lương mức tối thiểu. Các công nhân được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ để đảm bảo không đưa mầm bệnh vào nơi sản xuất.
Ông Phạm Văn Cường, Phó ban quản lý Các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, ngoài Công ty Sơn Ocean, các công ty như Dược phẩm Shinpoong Daewoo (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), GreenFeed (Khu công nghiệp Sông Mây)... cũng lên kế hoạch mở rộng khu lưu trú cho lao động ở lại nhà máy. Với phương án này, nhà máy cần thỏa thuận với người lao động trước khi áp dụng, thường xuyên tổ chức xét nghiệm.
Theo ông Cường, tùy quy mô, số lượng lao động mà các doanh nghiệp có những phương án ăn ở, làm việc khác nhau. Những nhà máy vài trăm công nhân như Công ty Sơn Ocean có thể sắp xếp tất cả ở lại. Nhưng với những doanh nghiệp có hàng chục ngàn công nhân sẽ lựa chọn những người hàng ngày đi về từ vùng dịch, nguy cơ lây nhiễm cao, để bố trí sinh hoạt tại nơi sản xuất.
Với hơn 40.000 lao động, trong đó khoảng 2.200 người đến từ TP HCM, Bình Dương, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) hỗ trợ chi phí để số lao động này tìm nhà trọ ở gần nhà máy. Những người phải đi về trong ngày cần cam kết thực hiện quy định 5K, thường xuyên xét nghiệm Covid-19.
Tương tự, Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) có 30.000 công nhân, trong đó 500 người đến từ Bình Dương và TP HCM, đưa ra kế hoạch thuê khách sạn gần chỗ làm để lao động ngoại tỉnh ở lại khi dịch bùng phát. Công ty cũng áp dụng biện pháp làm việc trực tuyến, tạm cho nghỉ đối với một số công nhân địa phương khác không thể ở lại Đồng Nai.
Hiện, Đồng Nai có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó 32 khu công nghiệp với 620.000 công nhân; nhiều người đến từ tỉnh thành lân cận, đi về trong ngày. Cách đây bốn hôm, lo ngại công nhân từ TP HCM và thị xã Tân Uyên (Bình Dương) có thể làm lây lan dịch vào nhà máy, tỉnh đề nghị doanh nghiệp bố trí số lao động này ở lại nơi làm việc để chủ động ngăn ngừa.
Trước đó, hôm 4/6 chính quyền Đồng Nai ra quy định người đến từ TP HCM phải cách ly 21 ngày để phòng dịch. Tuy nhiên, sau gần nửa ngày đưa ra yêu cầu, tỉnh đã điều chỉnh, cho phép người dân qua lại giữa hai địa phương. Hàng ngày có hơn 6.000 người ở Đồng Nai đến TP HCM làm việc. Ngược lại, hơn 10.000 lao động, chuyên gia ở TP HCM đến Đồng Nai làm tại các khu công nghiệp.
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, một công ty ở Khu công nghiệp Amata (TP Biên Hòa), ghi nhận ca dương tính nCoV khiến toàn bộ nhà máy bị phong toả. Ngày 19/6, hơn 18.000 công nhân nhà máy Pousung Việt Nam ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) phải tạm nghỉ việc do nữ công nhân là F1.
Lê Tuyết