Cuộc điện thoại bất thường giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng thư ký bang Georgia nhằm lật ngược kết quả bầu cử tại bang này đang khiến các đồng minh Mỹ ở châu Âu chấn động, không phải vì những gì nó tiết lộ về tính cách của ông chủ Nhà Trắng, mà vì nó cho thấy hiện trạng của nền dân chủ Mỹ.
Một đoạn băng ghi âm bị rò rỉ thu lại cuộc trò chuyện kéo dài một tiếng giữa Tổng thống Trump với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger hôm 2/1 cho thấy ông chủ Nhà Trắng đã cầu xin rồi đe dọa quan chức phụ trách bầu cử này, dường như nỗ lực tác động nhằm thay đổi kết quả bỏ phiếu.
Trump yêu cầu Raffensperger "tìm" cho ông số phiếu cần thiết để giúp ông lấy lại chiến thắng tại Georgia vốn thuộc về đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Chỉ còn hai tuần nữa là Trump sẽ rời Nhà Trắng. Nhiều lãnh đạo thế giới đang mong chờ một khởi đầu mới với Mỹ, song không ít người lo ngại rằng những ảnh hưởng của ông sẽ không dừng lại mà tiếp tục kéo dài, gây tổn hại đến niềm tin toàn cầu đặt vào Mỹ.
"Nhiều người sẽ chỉ gắng chờ thời gian trôi qua", Leslie Vinjamuri, giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại viện nghiên cứu Chatham House, Anh, nhận xét. "Nhưng đến nay, điều đáng lo ngại nhất là số đảng viên Cộng hòa sẵn sàng đồng hành với Trump và tác động của nó đối với đảng".
Khoảng 140 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và 12 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố sẽ tham gia nỗ lực thách thức kết quả phiếu đại cử tri tại phiên họp chung của quốc hội nhằm xác nhận chiến thắng cho Biden vào ngày 6/1.
Với việc Trump vẫn tiếp tục duy trì được ảnh hưởng đối với đảng và đã giành mức kỷ lục hơn 74 triệu phiếu trong cuộc bầu cử hồi tháng 11, Vinjamuri cho rằng "điều này cho thấy công việc quản trị nước Mỹ trong năm tới và những năm sau đó sẽ vô cùng khó khăn". Nếu quá nhiều người Mỹ cho rằng thực sự có gian lận bầu cử, "nước Mỹ thậm chí sẽ không thể đảm bảo những chuẩn mực cơ bản nhất của nền dân chủ".
Đối với các nhà quan sát nước ngoài, ảnh hưởng của Trump không đơn giản chỉ giới hạn ở bản thân ông mà còn lan rộng sang cả những người xung quanh, ở Nhà Trắng và bên trong đảng Cộng hòa, thậm chí tới một bộ phận công chúng Mỹ, những người đã hình thành niềm tin rằng nền dân chủ Mỹ đã bị xâm phạm và không đáng tin cậy.
"Cả thế giới đều biết Trump có thể quay trở lại vào năm 2024 và đây chính là cái bóng mà ông ấy sẽ phủ lên nền chính trị Mỹ", Thomas Wright, chuyên gia tại Viện Brookings, Mỹ, nhận định.
Wright cho rằng chính những hành động "cực đoan" của Trump đã giúp ông thu về số phiếu bầu kỷ lục và tác động của nó không những không dừng lại mà còn trở thành một động lực ảnh hưởng đến các đảng viên Cộng hòa. "Mọi người biết Trump là người như thế nào, nhưng cái bóng ông tạo ra trong tương lai mới quan trọng".
Điều cũng gây quan ngại không kém là việc 10 cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ hồi đầu tuần cùng ký tên trong một bài xã luận đăng trên tờ Washington Post kêu gọi đất nước và quân đội chấp nhận kết quả bầu cử, khẳng định "thời gian hoài nghi về kết quả đã trôi qua". Họ cũng cảnh báo quân đội Mỹ không có bất cứ hành động nào can thiệp vào kết quả bầu cử.
Jean-Marie Guéhenno, nhà ngoại giao Pháp hiện là chủ tịch Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, đặt câu hỏi trên Twitter: "Liệu chúng ta có nên cảm thấy yên tâm về nền dân chủ Mỹ hay không khi 10 cựu bộ trưởng quốc phòng cảnh báo không nên sử dụng quân đội để can thiệp vào bất kỳ tranh chấp bầu cử nào? Hay chúng ta nên cảm thấy sợ hãi khi họ tin rằng việc phải đưa ra lập trường công khai về vai trò của quân đội là cần thiết?".
François Heisbourg, một nhà phân tích an ninh người Pháp, từng hỏi đùa rằng "Bạn có thể phát động bao nhiêu cuộc chiến trong 16 ngày?". Tuy nhiên, ông cũng không khỏi cảm thấy sốc trước cuộc điện thoại giữa Trump với Raffensperger và bất ngờ trước ảnh hưởng mà Trump vẫn duy trì được đối với các thành viên chủ chốt đảng Cộng hòa.
"Khả năng của Trump tác động đến các đảng viên Cộng hòa và giữ nó đến cùng là điều gây choáng ngợp và khiến thế giới bên ngoài sợ hãi", Heisbourg đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)