Dòng Mekong 'giận dữ'

Không có gì bất thường vào chiều ngày 5/12/2022, cho đến khi ông Võ Minh Thảo (48 tuổi, Vĩnh Long) thấy mực nước mương dâng cao dồn dập. Từ vườn sầu riêng của hàng xóm, ông vội vã lao về nhà trong đôi chân trần, cặp kính văng đi lúc nào không hay.

Vừa chạy, ông vừa gọi nhờ người kê kích đồ đạc cho khỏi ngập. Lúc đó, ông chỉ nghĩ nước dâng cao sẽ tràn vô nhà như lũ, cuốn trôi gia sản.

Ông đã lầm.

Đặt chân đến nhà, ông thấy mảnh vườn trước cửa biến mất, bỏ lại căn nhà chơi vơi ngay mé sông. Đất liên tục sạt xuống, khoét sâu vào bờ hàng trăm mét.

"Tôi hoảng quá. Chỉ kịp vơ lấy chiếc túi đựng giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh của con cùng ảnh thờ ba, rồi cắm đầu chạy", ông nhớ lại, rưng rưng.

Hơn 10 phút sau, lở đã đuổi đến chân nhà. Đất rơi, tường nứt, mái tôn vặn vẹo. Chưa tới một giờ từ lúc thấy con đê vỡ, căn nhà cấp 4 cùng hơn 1.000 chậu lan và vườn cây ăn trái 9 công đất của gia đình đã nằm sâu dưới lòng sông.

"Banh chành hết trơn rồi. Không còn gì hết. Trắng tay luôn. Rồi sao mà sống", ông Thảo khóc thành tiếng trong video quay lại hình ảnh cuối cùng của căn nhà. Gia tài dành dụm từ đời cha phút chốc bị nhấn chìm. Điều duy nhất khiến ông nhẹ lòng là mẹ và các con không ở nhà khi đó. Mất của, nhưng cả gia đình nguyên vẹn.

Từ trên cao, bãi bồi như "lát bánh mì" bị dòng sông đang "đói" ngoạm mất một mảng lớn. Hôm đó, cù lao An Bình sạt lở hơn 41.500 m2, khiến 30 hộ dân rơi vào cảnh mất nhà, tài sản, thiệt hại lên đến 35 tỷ đồng.

Sạt lở bất thường không phải chuyện của riêng tỉnh Vĩnh Long, mà là nỗi đau chung của hàng triệu dân miền Tây từ hai thập kỷ nay.

Tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức báo động với 585 điểm, dài trên 741 km. Trong đó, 87 điểm với 135 km thuộc nhóm đặc biệt nguy hiểm - ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, hạ tầng quan trọng dù được bảo vệ bởi đê, theo Cục quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Còn lại là sạt lở nguy hiểm (155 điểm - 306 km) và bình thường (343 điểm - 300 km).

Sạt lở bờ sông, kênh, rạch tập trung ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, và các khu vực chuyển tiếp giữa vùng chịu ảnh hưởng của triều và thượng nguồn như Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, đến ven biển như Cà Mau, Sóc Trăng. Theo các chuyên gia, từ năm 1992 đến nay, sạt lở thoát ra khỏi quy luật tự nhiên và ngày càng tăng cấp.

Thống kê điểm và chiều dài sạt lở ĐBSCL tính đến 2022

Số điểm sạt lở có xu hướng ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm, ĐBSCL đã xảy ra 145 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch - nhiều hơn số điểm của cả năm 2022. Tại An Giang, số vụ lở trong 7 tháng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, Bạc Liêu ghi nhận số vụ lở tăng gần gấp đôi so với mọi năm.

Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sạt lở tại ĐBSCL là thiếu cát và phù sa, tạo nên những dòng nước đói, theo ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt của WWF khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi dòng sông không còn trầm tích để lấp các hố sâu dưới đáy, "cơn đói" sẽ ăn vào đất hai bên bờ.

Sông đói 'ngoạm' bờ

Chuỗi ngày thiếu phù sa được kích hoạt khi loạt đập thuỷ điện ở Trung Quốc - thượng nguồn Mekong - đi vào hoạt động. Tải lượng phù sa mịn tại hạ nguồn đã giảm khoảng 50% - từ 160 triệu tấn mỗi năm (1992) còn 85 triệu tấn (2014), theo Uỷ hội sông Mê Kông (MRC). Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu hoàn tất, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm thêm một nửa, từ 85 còn 42 triệu tấn. Đến năm 2040, chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL.

Hệ quả là tỷ lệ xói - bồi ngày càng chênh lệch ở hầu hết địa phương. Các tỉnh dọc sông Tiền như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang... sạt lở nhiều hơn khu vực sông Hậu do lưu lượng dòng chảy lớn.

Ước tính khối lượng xói - bồi trung bình một năm (giai đoạn 2020 - 2022)

Trong khi cát từ thượng nguồn về hạ lưu ngày càng khiêm tốn, nhu cầu sử dụng lại tăng đột biến. Cả dòng sông và con người đều trong cơn "khát" cát. Khi mất đi nguồn dinh dưỡng tự nhiên, dòng sông đòi lại những gì đã cho con người trước đó.

10 năm trước, tại chính cù lao An Bình này, dòng sông đã đưa ra cảnh báo về cơn giận của mình.

21h ngày 29/10/2012, bãi bồi ở ấp An Long, xã An Bình - cách nhà ông Thảo 10 km, bất ngờ sạt lở. Khoảng 8.000 m2 đất bị "nuốt chửng" cùng 4 ao và 23 bè cá của 8 hộ dân.

"Sau vụ đó coi như mất hết", bà Phạm Thị Sáu (75 tuổi), một trong những nạn nhân khi đó, kể lại.

Bà cùng con trai đang ngồi ngay gần bãi bồi cũ, nơi hàng trăm lồng bè cá nối đuôi nhau chạy xa tít. Hơn 10 năm kể từ sự cố sạt lở, gia đình bà lại đứng lên tại chính nơi đã ngã xuống.

Mất trắng, rồi làm lại từ đầu không còn là điều xa lạ với những người dân miền Tây. Năm 2012, khi dịch bệnh càn quét vườn nhãn, bà Sáu cũng như nhiều người khác, đã vay nhà nước 100 triệu đồng, đầu tư cải tạo bãi bồi trước sông Tiền làm ao cá điêu hồng giống. Thế nhưng, chỉ còn một tuần chờ xuất bán thì sạt lở ập đến. 4.000 m2 ao với khoảng 3 tấn cá giống cùng số thức ăn trong kho "đổ sông đổ bể".

5 tháng sau vụ sạt lở, nguyên nhân được Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam (SIWRR) xác định là khai thác cát và nạo vét lòng dẫn. Cù lao An Bình khi đó bị bủa vây bởi các mỏ cát ở hai bên bờ, ngày đêm hút cát từ lòng sông.

Bản đồ các vị trí sạt lở khu vực cù lao An Bình, Vĩnh Long, năm 2012

Nghiên cứu của SIWRR từ năm 2012 kết luận nếu không có khai thác cát, diễn biến xói bồi sẽ rất ít. Tốc độ trung bình chỉ nhỏ hơn một mét mỗi năm, nhưng khảo sát địa hình đáy sông khi đó phát hiện nhiều nơi bị hạ thấp từ 2 đến 7 m. Vị trí xảy ra sạt lở đáng lẽ phải bồi tụ nhờ lượng cát về hàng năm, nhưng hoạt động khai thác cát đã làm cho lòng sông không kịp phục hồi và tiếp tục bị sâu xuống.

Theo chuyên gia, việc hình thành hố xói sâu cục bộ - nguyên nhân trực tiếp gây sạt lở - là kết quả của quá trình khai thác cát. Bởi đây vốn là đoạn sông thẳng nên dòng chảy không thể tạo ra các hố sâu gây sạt lở.

"Để hình thành hố xói sâu như vậy nếu chỉ do tác động của dòng chảy thì phải mất rất nhiều năm. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn lòng dẫn có những vị trí bị hạ thấp gần 10 m, chứng tỏ phải có tác động của con người", thạc sĩ Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai, SIWRR, người trực tiếp tham gia khảo sát lúc đó, nhận định.

Đúng 10 năm sau, các chuyên gia của Viện SIWRR quay trở lại chốn cũ, lặp lại công việc điều tra, nhưng với những nạn nhân mới. Sự cố sạt lở lịch sử cuối năm 2022 tại cù lao An Bình một lần nữa được chỉ ra rằng, hơn 80% nguyên nhân là do tác động con người khi nạo vét lòng dẫn và khai thác cát quá mức.

Nợ cát, phải trả bằng cát

"Hiện tượng sạt lở có mối quan hệ nhân quả, mà trong đó lòng sông là tiền đề, và bờ lở là kết quả", ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia Dự án Quản lý Cát Bền vững WWF - Việt Nam, nói.

Theo WWF - Việt Nam, các nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng ĐBSCL đang mất cân bằng trầm tích nghiêm trọng. Mỗi năm, khối lượng cát đổ về vùng châu thổ này là 6,8-7 triệu tấn, trong khi lượng khai thác cát là 28-40 triệu tấn. Cùng với lượng cát đổ ra biển khoảng 6,5 triệu tấn, mỗi năm, đồng bằng bị thâm hụt ít nhất 27,5 triệu tấn cát.

Hệ lụy là nhiều đoạn sông không còn cát. Một số đoạn do bị khai thác cát sỏi quá mức đã tạo nên các "lòng chảo". Lòng sông bị hạ thấp, dẫn đến cao độ mực nước trên các tuyến sông giảm, thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy.

Bản đồ vị trí các mỏ cát được cấp phép tại ĐBSCL

Nhu cầu cát và trữ lượng cấp phép tại ĐBSCL

Hiện ĐBSCL có hơn 80 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, khối lượng khoảng 28 triệu tấn mỗi năm. Cùng vấn nạn khai thác cát "lậu" ở nhiều nơi, khối lượng cát mất đi là không thể kiểm soát.

"Thực tế khai thác cao hơn rất nhiều, nếu không có giải pháp quản lý thì nguồn cát sỏi cạn kiệt là khó tránh khỏi", Phó Cục quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Nguyễn Văn Tiến nói tại một hội thảo cuối 2022 về hạn chế khai thác cát.

Quá trình khai thác cát tạo nên các hố sâu dưới lòng sông. Để lấp khoảng trống này, dòng sông cần cát từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, các đập thuỷ điện giữ phù sa khiến lượng vật chất về hạ nguồn giảm. Theo quy luật, dòng chính sẽ bòn rút bùn, cát từ đáy các sông chính, và dây chuyền "rút đáy sông" lan đến các nhánh phụ nhỏ hơn.

"Đó là lúc sạt lở lan toả khắp đồng bằng, vào cả các kênh nhỏ - nơi không khai thác cát", thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về ĐBSCL, nói.

Trong khi đó, ở cửa biển, lớp "áo giáp" bảo vệ đồng bằng cũng tả tơi vì thiếu phù sa, bất lực trước những cơn sóng ập vào bờ. Hậu quả là gần 400 km bờ biển của ĐBSCL đang sạt lở nghiêm trọng.

Khai thác cát quá mức tác động lên lòng sông thế nào?

Món nợ với dòng sông

Sau vụ sạt lở năm 2012, bà Sáu cùng 7 hộ dân khởi kiện công ty khai thác cát, đòi bồi thường hơn 130 triệu đồng thiệt hại.

Ngày đó, lộ nhựa từ xóm đến trung tâm xã chưa có, mỗi lần bị triệu tập, bà Sáu vừa quá giang, vừa đi bộ hơn 10 cây số cả đi lẫn về. Khu vườn cùng ao cá tan hoang, vừa mất thời gian kiện tụng, gia đình bà lâm cảnh khánh kiệt. Mất 4 năm sau sự cố, bà Sáu mới được công ty khai thác cát đền bù 42,5 triệu.

"Được vạ thì má đã sưng", bà Sáu nói.

Bà Phạm Thị Sáu (75 tuổi), người từng có nhà bị sạt lở tại cù lao An Bình năm 2012. Ảnh: Hoàng Nam

Khi "vết thương" ở bờ sông vừa tạm lành, các cơ quan chuyên môn lại phát hiện mối nguy mới nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn cho cù lao An Bình. Lòng sông như một cơ thể bị bạc đãi lâu ngày, sau cuộc "nội soi tổng quát" bắt đầu phát lộ những vết thương sâu âm ỉ.

Kết quả thăm dò xác định một đoạn sông hơn 300 m có nguy cơ sạt lở cao bởi lòng sông đã bị bào mòn, mái bờ rất dốc. Bờ đối diện tại TP Vĩnh Long cũng xuất hiện nhiều lạch sâu sát bờ từ 28 đến 38 m với độ ổn định thấp, nguy cơ sạt lở cao.

Chính quyền địa phương phải phát lệnh cấm khai thác cát trên đoạn sông dài 18 km từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao. Một cuộc "nội soi" khác cũng được diễn ra với quy mô trên toàn bộ sông Tiền qua địa phận Vĩnh Long, nhằm đánh giá lại quy hoạch khai thác cát.

"Dòng chảy mang cát và phù sa tạo nên dòng sông, dòng sông nuôi con người, và khi con người tác động tới dòng chảy, phù sa và bùn cát, nó lấy lại, đôi khi là cả tính mạng con người", TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó viện trưởng SIWRR, nói.

Ông Hùng ví lưu vực sông như một cơ thể sống. Mọi tác động qua lại giữa con người và dòng sông đều mang tính nhân quả, có tầm ảnh hưởng liên khu vực. Các hành động làm thay đổi "cơ thể tự nhiên" của dòng sông như chặt phá rừng, xây dựng đập hay khai thác cát, đều sẽ phải "trả giá".

Khu vực từng xảy ra sạt lở tại cù lao An Bình (Vĩnh Long) hiện bị lục bình phủ kín, tháng 6/2023. Ảnh: Hoàng Nam

Những người sống phụ thuộc nhiều nhất vào sông Mekong đang phải trả giá cho những lỗi lầm không phải họ gây ra, và họ lại là người có ít quyền kiểm soát nhất đối với dòng sông.

Như bà Sáu, sau nhiều năm tích cóp, đến nay cuộc sống mới dần ổn định. Bà gầy dựng lại một công rưỡi ao cá giống, cùng 6 lồng bè nuôi cá chốt đồng đang mùa "vỗ béo". "Nếu thuận lợi, mỗi lứa 6 tháng cũng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhưng với điều kiện đừng ai múc cát nữa", bà Sáu nói.

Còn xóm cũ của ông Thảo, sau nửa năm, giờ đã thành bãi sông rộng lục bình phủ kín, là ngư trường cho dân địa phương. Dân làng khu sạt lở hầu như được chuyển đi, cách xa dòng sông từng nuôi dưỡng họ, để lại những tường gạch nham nhở, bơ vơ giữa trời.

Nội dung: Hoàng Nam - Thu Hằng

Đồ hoạ: Hoàng Khánh - Thanh Hạ

Về dữ liệu: Dữ liệu trong bài được cung cấp bởi Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, WWF - Việt Nam, và tổng hợp từ các địa phương.