15% bệnh nhân Covid-19 mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác
Theo TS.BS Phan Thị Xuân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc; Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đồng nhiễm là ngay từ đầu bệnh nhân đã bị nhiễm hai tác nhân gây bệnh hoặc nhiều hơn. Còn bội nhiễm là bệnh nhân mắc Covid-19, sau đó bị suy giảm miễn dịch và nhiễm thêm một hoặc nhiều virus khác.
Tác giả Langford BJ (Y tế công cộng Ontario, Trung tâm Phục hồi và Sức khỏe, Canada) và cộng sự đã công bố nghiên cứu "Các yếu tố dự báo và vi sinh của nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường máu ở bệnh nhân Covid-19" vào tháng 11/2021, ở 171.262 bệnh nhân Covid-19 trên thế giới cho thấy, tỷ lệ đồng nhiễm là 5,1%, tỷ lệ bội nhiễm là 13,1%. "Dù là đồng nhiễm hay bội nhiễm đều rất nguy hiểm đối với người bệnh trong giai đoạn nhiều dịch bệnh bùng phát hiện nay", bác sĩ Xuân nói.
Từ kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, bác sĩ Xuân cho biết, khoảng 15% bệnh nhân điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU) có tình trạng đồng nhiễm Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Với những nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền (đái tháo đường, suy thận, suy tim, suy gan, tai biến mạch máu não, thuyên tắc phổi mạn tính COPD...), tỷ lệ tử vong rất cao khi đồng nhiễm virus, vi khuẩn... Các bệnh nhân này thường thở máy nhiều ngày, sau đó có thể không qua khỏi vì suy đa cơ quan hoặc tử vong do các biến chứng nặng.
Bác sĩ Xuân chia sẻ thêm, mắc nhiều bệnh cùng một lúc khiến các biểu hiện lâm sàng không điển hình, bác sĩ dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót. Nếu chẩn đoán, điều trị không kịp thời và đầy đủ, bệnh nhân sẽ diễn tiến nặng hơn, tăng tỷ lệ tử vong. Hiện nay, việc chẩn đoán đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh truyền nhiễm khác vẫn còn nhiều khó khăn do phải xét nghiệm mẫu bệnh phẩm (phết họng, đờm) bằng kỹ thuật PCR; soi đàm, cấy đàm đối với tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp; đối với sốt xuất huyết phải thực hiện các xét nghiệm máu như tìm kháng nguyên NS1, kháng thể IgM, IgG.
Tiêm vaccine phòng nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm cùng lúc
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, sau thông tin phát hiện ca bệnh đồng nhiễm cúm với Covid-19 tại Israel và nhiều trẻ nhỏ ở Việt Nam vừa bị sốt xuất huyết cùng lúc với Covid-19, tỷ lệ người dân đến các trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC tiêm các loại vaccine phòng cúm, viêm phổi, ho gà, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sởi - quai bị - rubella... tăng 40% so với các thời điểm khác trong năm. Các bệnh trên đều có khả năng mắc cùng lúc với Covid-19, tăng tỷ lệ bệnh nặng phải điều trị chăm sóc tích cực và tử vong ở người chưa tiêm vaccine.
Bác sĩ Chính cho hay, trước đây, nhiều người dân mới chỉ quan tâm đến vaccine phòng các bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi, ho gà - bạch hầu - uốn ván mà chưa để ý đến các bệnh nguy hiểm khác như: viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sởi - quai bị - rubella... cũng có thể đồng mắc với Covid-19. Đây đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từng gây dịch trong cộng đồng; nếu đồng mắc với Covid-19 là "điểm yếu" của hệ miễn dịch, ảnh hưởng cùng lúc tới nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, đe dọa tính mạng người bệnh.

Người cao tuổi đến Trung tâm tiêm chủng VNVC Tây Ninh tiêm các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm, tránh đồng mắc Covid-19 vào đầu tháng 1/2022. Ảnh: Thương Hiền
Bác sĩ Chính khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng bệnh, tránh nguy cơ đồng nhiễm ngay từ đầu. Tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm là biện pháp nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả, giúp tăng cường sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bệnh nặng và tử vong. Tiêm đầy đủ các loại vaccine có thể tạo được miễn dịch chéo giữa các loại vaccine, giúp củng cố vaccine này với vaccine khác phòng tránh nguy cơ đồng nhiễm các bệnh.
"Mọi người dân đều có nguy cơ đồng mắc các bệnh truyền nhiễm khác cùng Covid-19 nên việc chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cần tăng tỷ lệ này hơn nữa, nhất là người cao tuổi, người có bệnh mạn tính như tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đái tháo đường...", bác sĩ Chính nói.
Hiện nay, tại Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có nhiều loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho cả trẻ em và người lớn như: vaccine cúm thế hệ mới phòng ngừa 4 chủng virus gây bệnh; vaccine phòng viêm phổi; ho gà - bạch hầu - uốn ván; viêm màng não; viêm não Nhật Bản... Với hệ thống gần 60 trung tâm trên cả nước, VNVC có nhiều gói vaccine cho trẻ em và người lớn. Đại diện VNVC cho biết, toàn bộ vaccine đều được bảo quản bằng hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn quốc tế GSP, đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh của người dân, đặc biệt trong dịp cận kề Tết Nguyên đán.
Ngọc An