Oanh tạc cơ H-6K tham gia một cuộc diễn tập hồi năm 2016
"Trung Quốc vẫn tập trung vào các biện pháp bảo vệ vùng biển gần bờ, nhưng cũng muốn đẩy vành đai phòng thủ xa tới Tây Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng răn đe Mỹ. Cuộc diễn tập ném bom Guam nhằm cho thấy Washington sẽ phải trả giá rất đắt nếu lựa chọn can thiệp quân sự vào khu vực Đông Á và Đài Loan", SCMP dẫn lời chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh nói hôm 1/11.
Quan chức Lầu Năm Góc hôm qua cho biết các oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay gần không phận Guam và Hawaii của Mỹ trên Thái Bình Dương, đồng thời thực hành diễn tập ném bom tấn công đảo Guam. Washington tỏ ra lo ngại trước các đợt diễn tập quân sự của Bắc Kinh.
"Khi nhìn vào khả năng mà Trung Quốc đang phát triển, chúng ta phải duy trì sức mạnh để bảo đảm cam kết với các đồng minh trên Thái Bình Dương", tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, phát biểu hôm 1/11.
Tuy nhiên, ông Koh cũng cho rằng những chiếc H-6 sẽ dễ dàng bị bắn hạ trong chiến đấu, trừ khi được nhiều tiêm kích tầm xa hộ tống và nhận sự hỗ trợ từ máy bay tiếp dầu.
Oanh tạc cơ H-6K được coi là "phiên bản B-52 của Trung Quốc", có thể mang 6 tên lửa hành trình CJ-10 hoặc CJ-20 với tầm bắn 1.450-2.400 km hoặc 6 tên lửa diệt hạm YJ-12. Bán kính tác chiến của H-6K vào khoảng 3.200 km hoặc 5.630 km nếu được tiếp dầu trên không.
Guam là tiền đồn quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Các khí tài không quân chiến lược đóng tại căn cứ Andersen trên đảo giúp duy trì sự hiện diện và phô trương sức mạnh của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tử Quỳnh