Trung Quốc và Quần đảo Solomon tuần qua thông báo đã ký hiệp ước an ninh nhưng không công bố chi tiết. Tuy nhiên, theo bản dự thảo bị rò rỉ hồi tháng ba, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Quần đảo Solomon, với dân số chưa đầy 700.000 người, bao gồm một chuỗi hàng trăm đảo nhỏ nằm ở phía đông Papua New Guinea trên Thái Bình Dương. Quốc đảo từng là thuộc địa của Anh này liên tục rơi vào bất ổn kể từ cuối những năm 1990, khi căng thẳng sắc tộc bùng phát thành bạo lực và một cuộc đảo chính đưa Thủ tướng Manasseh Sogavare lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 2000.
Trong gần hai thập kỷ qua, Australia được coi là bên bảo trợ an ninh chính cho Quần đảo Solomon. Nước này dẫn dắt Phái bộ Hỗ trợ Đa quốc gia cho Quần đảo Solomon (RAMSI) khôi phục ổn định sau những xung đột phe phái ở quốc đảo trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Quần đảo Solomon và Australia thay đổi kể từ khi Thủ tướng Sogavare đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2019. Vài tháng sau đó, ông quyết định cắt quan hệ ngoại giao lâu đời giữa Quần đảo Solomon và đảo Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng đầu của Quần đảo Solomon, mua khoảng 65% hàng hóa của quốc đảo vào năm 2019, trong khi tỷ lệ của Australia chưa đầy 1%. Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu hàng đầu đến Quần đảo Solomon, chiếm khoảng 25%, còn Australia là 13%. Nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng sân vận động chính ở thủ đô Honiara để phục vụ Đại hội Thể thao Thái Bình Dương 2023.
Không phải ai ở Quần đảo Solomon cũng ủng hộ động thái cắt quan hệ với Đài Loan của Thủ tướng Sogavare. Daniel Suidani, thủ hiến tỉnh Malaita, phản đối quyết định trên, nói rằng ông sẽ thúc đẩy độc lập cho Malaita, tỉnh lớn nhất nước.
Các cuộc bạo động hồi tháng 11 năm ngoái cũng được cho là hậu quả từ quyết định trên của Thủ tướng Sogavare, khi khoảng 1.000 người từ tỉnh Malaita kéo tới thủ đô Honiara đòi ông Sogavare từ chức, với lý do chính quyền trung ương không quan tâm đến đời sống của họ.
Trong cuộc bạo loạn, người biểu tình tràn vào phố người Hoa tại Honiara và phóng hỏa một số tòa nhà, trong đó có một chi nhánh ngân hàng, đồng thời tìm cách xông vào tư dinh của Thủ tướng Sogavare. Một lực lượng gìn giữ hòa bình do Australia cử tới Quần đảo Solomon đã giúp khôi phục ổn định tình hình.
Sau biến cố này, các quan chức Trung Quốc và Quần đảo Solomon đều nói rằng thỏa thuận an ninh vừa ký là cần thiết để đảm bảo ổn định. Hiệp ước cho phép Trung Quốc sử dụng các lực lượng như quân đội, cảnh sát vũ trang để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình ở những nơi mà họ cho rằng chính phủ Quần đảo Solomon không đủ năng lực làm điều đó, Richard Herr, giáo sư luật tại Đại học Tasmania, đánh giá.
Ông cho rằng hiệp ước nói với thế giới rằng "Trung Quốc tin nếu các dự án lớn của họ bị đe dọa, họ có quyền bảo vệ chúng".
Charles Edel, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định hiệp ước với Quần đảo Solomon cho thấy Trung Quốc sẽ "hành động quyết liệt vì lợi ích của mình, dù điều đó có nghĩa là mở các tuyến thương mại, thiết lập một cơ sở quân sự hay ký kết một thỏa thuận an ninh", ông nói.
Ngay khi dự thảo hiệp ước an ninh bị rò rỉ, Australia, quốc gia đã ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon từ năm 2017, là bên chỉ trích gay gắt nhất. Nước này cùng Mỹ, New Zealand, và Nhật hôm 20/4 ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại chung về khuôn khổ an ninh và những rủi ro nghiêm trọng của hiệp ước đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Các nước lo ngại hiệp ước có thể mở đường để Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon, dù Thủ tướng Sogavare đã nói rằng họ "không có ý định mời Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự" trên lãnh thổ.
Mỹ hôm 22/4 cảnh báo nước này sẽ đáp trả nếu Trung Quốc lập căn cứ ở Quần đảo Solomon. Trong khi đó, Bắc Kinh nhấn mạnh hiệp ước là trao đổi, hợp tác bình thường giữa hai quốc gia có chủ quyền và độc lập, không nhằm vào bên thứ ba, không mâu thuẫn với hợp tác giữa quốc đảo Thái Bình Dương và các nước khác. Trung Quốc cũng bác bỏ thông tin về thiết lập căn cứ ở Quần đảo Solomon.
Thủ tướng Sogavare dường như không mấy quan tâm tới cảnh báo của Australia và các nước phương Tây. Phát biểu trước quốc hội sau khi thông báo về hiệp ước an ninh với Trung Quốc, ông tuyên bố: "Tôi đề nghị các láng giềng, bạn bè và đối tác tôn trọng lợi ích chủ quyền của Quần đảo Solomon".
Phe đối lập lo ngại rằng nếu họ tìm cách thách thức Thủ tướng Sogavare bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội, các cuộc biểu tình mới có thể nổ ra và tạo cớ cho chính phủ của ông Sogavare yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ an ninh.
Mark Harrison, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Tasmania, Australia, cho rằng thỏa thuận là "thảm họa" đối với Australia, quốc gia đang có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.
"Australia đã đánh giá sai hoàn toàn về đà trỗi dậy của Trung Quốc đầu thập niên 2010", ông nói. "Nỗ lực đánh giá lại tình hình diễn ra rất chậm chạp và không rõ ràng".
Quần đảo Solomon không phải là nơi duy nhất chính phủ Trung Quốc tìm cách kết hợp các thỏa thuận an ninh với kinh tế. Họ đã làm vậy ở Djibouti hay Pakistan, nơi Trung Quốc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giúp họ có thể tiếp cận các cảng chiến lược. Nhưng ông Edel nói rằng thỏa thuận với Quần đảo Solomon "đáng lo ngại hơn" vì quốc gia này nằm trên tuyến đường vận chuyển nối Mỹ với châu Á.
Tomohiko Satake, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản, cho rằng bằng hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, Trung Quốc đang củng cố tham vọng thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc giờ đây có thể trải dài từ biển Hoa Đông, Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương", Satake nói.
Các chuyên gia cho rằng hiệp ước mới chỉ là khởi đầu cho nỗ lực tăng cường hiện diện của Trung Quốc ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang đổ tiền vào hỗ trợ phát triển, cứu trợ thiên tai và nỗ lực chống Covid-19 ở những nước khác trong khu vực.
"Trung Quốc có thể ký kết hiệp ước tương tự với các quốc đảo khác như Papua New Guinea, Fiji, Vanuatu và Tonga. Điều đó có khả năng thúc đẩy hơn nữa xu hướng quân sự hóa và thay đổi hoàn toàn cục diện chiến lược khu vực. Cần phải giữ các khuôn khổ đa phương để giải quyết vấn đề này", chuyên gia Satake nói.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, NY Times)